Thủ tướng Anh Boris Johnson đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hôm 6/6, nhưng xung đột trong nội bộ Đảng Bảo thủ của ông về vụ bê bối "Partygate" đã giáng một đòn mạnh vào quyền lực của nhà lãnh đạo Anh và khiến ông phải vật lộn để giành lại sự ủng hộ, Reuters đưa tin.
Ông Johnson, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2019, đang chịu áp lực ngày càng lớn sau khi ông và các nhân viên tổ chức tiệc tùng tại văn phòng và nơi ở của ông ở số 10 phố Downing trong khi nước Anh bị phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19.
Cuộc bỏ phiếu hôm 6/6, với kết quả 211 phiếu ủng hộ (chiếm 59%) và 148 phiếu chống (tương đương 41%), là một đòn giáng mạnh vào ông Johnson. Vụ “Partygate” đã đặt ra câu hỏi về thẩm quyền của ông trong việc điều hành nước Anh và làm giảm sút uy tín của ông trong lòng công chúng.
Phát biểu sau khi kết quả được công bố, ông Johnson mô tả cuộc bỏ phiếu là một "kết quả mang tính quyết định", nó có nghĩa là "với tư cách là một chính phủ, chúng ta có thể tiếp tục và tập trung vào những thứ mà tôi nghĩ rằng thực sự quan trọng đối với người dân".
“Chúng ta có thể tập trung vào những gì chúng ta đang làm để hỗ trợ mọi người về chi phí sinh hoạt, để xóa bỏ những dư âm của Covid, để làm cho đường phố và cộng đồng an toàn hơn”, Thủ tướng Anh nói, đi đến kết luận: “Kết quả này cho chúng ta cơ hội để tiếp tục đoàn kết, tiến lên và củng cố nền kinh tế”.
Một số nhà lập pháp cho rằng kết quả cuộc bỏ phiếu, với 148/359 phiếu chống, là đáng thất vọng với một vị Thủ tướng đã từng chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2019.
"Ông Johnson sẽ cảm thấy nhẹ nhõm sau cuộc bỏ phiếu này. Nhưng ông ấy cũng sẽ phải hiểu rằng ưu tiên tiếp theo là xây dựng lại sự gắn kết của Đảng", ông David Jones, một cựu bộ trưởng, nói với Reuters.
Một số nhà lập pháp tỏ ra kém lạc quan hơn. Một nhà lập pháp Đảng Bảo thủ nói với điều kiện giấu tên: "Nó rõ ràng là tồi tệ hơn nhiều so với những gì mà hầu hết mọi người mong đợi. Nhưng còn quá sớm để nói điều gì sẽ xảy ra bây giờ".
Bằng cách giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, ông Johnson đã đảm bảo được miễn trừ khỏi tất cả những cuộc bỏ phiếu tương tự trong 12 tháng tới. Nhưng người tiền nhiệm của ông Johnson, bà Theresa May, đã thu được kết quả tốt hơn trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm năm 2018, nhưng vẫn phải từ chức 6 tháng sau đó.
Minh Đức (Theo Reuters)