Sáng 15/10, UBND TP.Hải Phòng đã tổ chức lễ thông xe kỹ thuật công trình cầu Hoàng Văn Thụ. Đây là công trình khởi đầu cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Bắc sông Cấm nhằm phát triển mở rộng thành phố về phía Bắc.
Công trình góp phần hoàn thiện hệ thống trung tâm thành phố mới theo định hướng không gian đô thị và theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009.
Tới dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và thành phố.
Cầu Hoàng Văn Thụ có tổng mức đầu tư khoảng 2.173 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn khác do ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng làm chủ đầu tư.
Cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị (QCVN 07-4:2016), tốc độ thiết kế 80km/h. Cầu nhánh phía Nam có tốc độ thiết kế 40 km/h; cầu nhánh phía Bắc có tốc độ thiết kế 50 km/h; các nhánh nút giao với đường đê bắc sông Cấm (nhánh 3, nhánh 4) tốc độ thiết kế 30 km/h.
Đường song hành hai bên cầu tốc độ thiết kế 50 km/h; khổ thông thuyền: BxH= 125x25m. Cầu chính cầu Hoàng Văn Thụ là dạng cầu vòm chạy giữa ống thép nhồi bê tông nhịp chính 200m, là nhịp lớn nhất ở Việt Nam hiện nay và là bước phát triển tiếp theo về mặt công nghệ cầu vòm nhồi bê tông ở Việt Nam.
Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt được xây dựng bắc qua sông Cấm, đi qua địa bàn các xã Tân Dương, Dương Quan, Hoa Động (huyện Thủy Nguyên), phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) và phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền) TP.Hải Phòng.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng nhấn mạnh, đây là một công trình quan trọng thực hiện Nghị quyết số 32 và Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời đây cũng là một công trình có hiệu quả kinh tế rất cao vì sẽ khai thác được một vùng đất nông nghiệp có hiệu quả thấp thành một khu đô thị có giá trị cao.
Tại thời điểm này, giá đất của các vùng lân cận dự án đã tăng gấp 3 -5 lần so với trước khi khởi công dự án, giá trị gia tăng ước tính tới hàng trăm nghìn tỉ đồng. Ngoài ý nghĩa đó, cầu Hoàng Văn Thụ còn đảm nhận việc mở rộng thêm một trục giao thông quan trọng để kết nối trung tâm thành phố với QL10 về phía Bắc.
Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng yêu cầu huyện Thủy Nguyên và các sở, ban, ngành thành phố khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án hạ tầng kỹ thuật Bắc sông Cấm, để công trình hoàn thành vào năm 2020 và hoàn thành cầu Hoàng Văn Thụ vào tháng 11/2019 để chào mừng Đại hội Đảng các cấp.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ phấn khởi trước sự thay đổi, phát triển nhanh chóng của TP.Hải Phòng trong thời gian gần đây, không chỉ tăng trưởng kinh tế và các hoạt xã hội, đời sống nhân dân được nâng cao, mà khí thế phát triển của thành phố rất đáng mừng, khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.
Thủ tướng khẳng định, cầu Hoàng Văn Thụ mở ra một không gian mới phát triển khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Điều đặc biệt là cây cầu này hoàn toàn do Việt Nam thiết kế và thi công chỉ trong vòng hơn 2 năm với một khối lượng lớn, đã được thông xe kỹ thuật là thành công rất lớn của thành phố và các đơn vị liên quan.
Đặc biệt, cầu có kiến trúc đẹp, hợp lý, có độ thông thuyền cao đảm bảo lưu thông thủy, có tính toán cho sự phát triển trong tương lai của thành phố. Thủ tướng cho rằng đây là sự lớn mạnh vượt bậc của ngành giao thông vận tải Việt Nam, của TP.Hải Phòng.
Thủ tướng biểu dương sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Thành ủy, UBND thành phố trong công tác giải phóng mặt bằng, đôn đốc, tháo gỡ những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện dự án. Thủ tướng đánh giá cao thiết kế của công trình với hình tượng cánh chim biển, vươn ra bảo vệ Tổ quốc, đồng thời đánh giá cao các đơn vị thi công, giám sát công trình và đặc biệt là người dân đã ủng hộ giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình...