Sáng 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với sự tham gia của nhiều địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp và ngân hàng nhằm gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản trong tình trạng bế tắc nghiêm trọng, số doanh nghiệp phá sản tăng tới 40%. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp hoạt động, tái cơ cấu...
Tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng đặt ra nhiều vấn đề để các doanh nghiệp, chuyên gia, bộ ngành cùng cho ý kiến. Trong đó nhấn mạnh tình trạng lệch pha cung - cầu nhà đất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi trong một bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như cạnh tranh chiến lược, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát trên thế giới.
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Chúng ta vẫn giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đối ngoại và hội nhập được thúc đẩy, mở rộng, uy tín của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và việc làm lành mạnh các thị trường được được thực hiện tích cực.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội cũng có một số vấn đề nổi lên, trong đó có vấn đề bất động sản, chúng ta đã và đang tìm cách xử lý. Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, không thể tránh được những vấn đề phát sinh, những mâu thuẫn cần giải quyết.
Đây là điều tất nhiên vì nước ta đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành trong điều kiện biến động cả bên trong và bên ngoài; quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, trong nội tại vẫn còn nhiều khó khăn, mặt khác lại hội nhập sâu rộng, nền kinh tế có độ mở cao, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn tới bên trong.
Điều quan trọng là phải phát hiện kịp thời, giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, kiên định, kiên trì, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí, quyết tâm để xử lý các vấn đề phát sinh, các khó khăn, vướng mắc. Chúng ta không hoang mang, dao động, lo sợ trước mọi khó khăn, thách thức, biến độn, nhưng đồng thời cũng không say sưa trước những thắng lợi, không lơ là, chủ quan khi tình hình thuận lợi hơn, không đánh mất thời cơ.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường bất động sản, phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, quan điểm điều hành, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp kinh tế thị trường, bảo đảm quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự điều tiết của nhà nước khi cần thiết, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội đổi lấy tăng trưởng đơn thuần.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu điều hành bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Thủ tướng đặt vấn đề, đối với thị trường bất động sản, chúng ta phải tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, phải chăng điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả, cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?
Sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững để tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Loạt doanh nghiệp tham gia phát biểu
Sau bài phát biểu của Thủ tướng các doanh nghiệp địa ốc, xây dựng lớn như Vingroup, Sungroup, Novaland, Hưng Thịnh Land, GP Invest, Becamex IDC Bình Dương, Sungroup và ngân hàng quốc doanh Vietcombank, ngân hàng tư nhân là Techcombank sẽ lần lượt phát biểu.
Tham gia hội nghị có Bộ trưởng các Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công an, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; các Ủy ban Kinh tế, Pháp luật của Quốc hội; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM. Hội nghị đồng thời có sự tham gia và phát biểu ý kiến của lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank và Techcombank.
Về phía các chuyên gia có ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia; ông Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân; ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
Tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chủ tịch và lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; Giám đốc Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch Đầu tư, Công an, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các thành phần khác có liên quan.
Trước đó, trong năm 2022, Thủ tướng đã chủ trì 3 hội nghị toàn quốc về thúc đẩy thị trường bất động sản, cũng như ban hành nhiều chỉ thị, công điện, kết luận và thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản.