Nghị định nêu rõ, việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và đồng thời người đó có dấu hiệu gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc.
Việc xác định thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác dựa trên nguyên tắc: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có quyền bổ nhiệm, tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý.
Trường hợp pháp luật khác hoặc điều lệ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quy định về thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác thì áp dụng quy định của pháp luật đó hoặc theo điều lệ của tổ chức đó.
Ảnh minh họa
Về thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh; trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Trong thời gian Quốc hội không họp, Thủ tướng trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Thủ tướng cũng quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với Thứ trưởng và các chức vụ tương đương, cán bộ, công chức, viên chức do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.
Nghị định cũng ghi nhận quyền của người ra quyết định tạm đình chỉ công tác, theo đó người ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức có quyền yêu cầu cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cung cấp thông tin, tài liệu để làm rõ căn cứ cho việc ra quyết định tạm chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác: Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác phối hợp với cơ quan hoặc người có thẩm quyền để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng.
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và có dấu hiệu gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Điều 14. Thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác trong cơ quan hành chính nhà nước 1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) quyết định hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp. 2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và cán bộ, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp. 3. Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc cơ quan mình và cán bộ, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp. 4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cán bộ, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp. 5. Tổng cục trưởng, Cục trưởng và cấp tương đương được phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục, Cục và cấp tương đương và cán bộ, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp. 6. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cán bộ, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp. 7. Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với Thứ trưởng và các chức vụ tương đương, cán bộ, công chức, viên chức do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. (Nghị định số 59/2013/NĐ-CP) |
Băng Tâm
> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng