4 trụ cột Công nghiệp, Nông nghiệp, Đô thị và Du lịch
Với vị trí là trung tâm của tiểu vùng Nam Sông Hậu, Hậu Giang đã được thừa hưởng những thuận về sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất từ các trung tâm, đô thị, thành phố lớn phía Nam về các tỉnh, thành ĐBSCL.
Nắm bắt thời cơ để bứt phá với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của ĐBSCL, đưa tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2022 với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui” thể hiện sự cầu thị và cam kết mạnh mẽ của Chính quyền Hậu Giang trong việc mời gọi và đồng hành với cộng đồng Doanh nghiệp đến với Hậu Giang.
Năm 2022, Hậu Giang kêu gọi đầu tư 87 dự án với quy mô đầu tư dự kiến 30.265ha, tổng mức đầu tư 48.175 tỷ đồng. Cụ thể kêu gọi 9 dự án vào khu công nghiệp; 7 dự án vào cụm công nghiệp; 21 dự án nông nghiệp; 31 dự án đô thị; 8 dự án du lịch. Tỉnh có 7/8 đơn vị hành chính được hưởng các chính sách đặc biệt khó khăn nên được hưởng rất nhiều ưu đãi theo luật đầu tư, đặc biệt về thuế.
Định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh thu hút đầu tư vào 4 trụ cột Công nghiệp, Nông nghiệp, Đô thị và Du lịch. Hậu Giang đã thành lập Ban chỉ đạo xúc tiến đầu tư tỉnh, do Bí thư tỉnh Ủy Nghiêm Xuân Thành làm trưởng ban.
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao 12 chứng nhận quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 18.959 tỷ đồng, tổng diện tích 290ha. Ký biên bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Một trong 3 đột phá chiến lược ở giai đoạn tới của Hậu Giang là: Cải cách mạnh mẽ hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Lấy cam kết “2 nhanh - 3 tốt”: Nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh về thủ tục đầu tư; 3 tốt là cơ hội tốt, chính sách tốt và hạ tầng tốt. Hướng mọi cơ chế, chính sách đem đến trải nghiệm tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Điểm đến thành công của các nhà đầu tư trong và ngoài nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị đã đánh giá cao những thành tựu mà Hậu Giang đã đạt được trong thời gian qua. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, và Nhân dân trong tỉnh, Hậu Giang đã duy trì tăng trưởng kinh tế dương cùng với sự cải thiện mạnh mẽ, thông thoáng môi trường thu hút đầu tư của tỉnh. Trong tương lai gần tỉnh Hậu Giang có các lợi thế rất lớn:
Hậu Giang là điểm giao nhau của 03 tuyến cao tốc sắp hình thành: Cần Thơ – Cà Mau; Châu Đốc – Cần Thơ – Hậu Giang và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu nên có lợi thế cho sự phát triển.
Bên cạnh đó, Tỉnh còn có tiềm năng khác biệt là khi các tuyến đường cao tốc được hình thành thì Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm của các tỉnh Nam sông Hậu và là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh nam sông Hậu với phần còn lại của ĐBSCL và các vùng kinh tế khác của cả nước. Điều này sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho Hậu Giang, đặc biệt liên quan đến phát triển công nghiệp, đô thị và logistics.
Nhìn nhận ở lợi thế cạnh tranh, Tỉnh có chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tốt nhất. Về lợi thế cơ cấu dân số vàng cùng hệ thống cơ sở đào tạo hiện có, Hậu Giang đáp ứng nguồn nhân lực dồi dào theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Để phát huy hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, phấn đấu thời gian tới đạt kết quả cao về phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Hậu Giang cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan để thực hiện những việc trọng tâm sau:
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến cả quá trình sản xuất kinh doanh. Làm tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhà đầu tư và người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư kinh doanh tại tỉnh.
Định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là những người liên quan đến hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phục vụ đời sống Nhân dân; tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Hậu Giang với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương, đảm bảo tiến độ thực hiện các tuyến đường cao tốc, tạo động lực thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh Hậu Giang và của vùng.
Chú trọng hành lang pháp lý trong việc thực hiện các thủ tục về đất đai; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án. Tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với địa phương, sớm hỗ trợ thẩm định các thủ tục liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Chính phủ, tạo tiền đề cho tỉnh thực hiện các dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật đất đai, qua đó đã góp phần tạo quỹ đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ giữa các Bộ ngành, Trung ương và địa phương, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hỗ trợ thực hiện các thủ tục triển khai các dự án tại địa phương; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đề xuất các nhà đầu tư - doanh nghiệp - doanh nhân cần thực hiện đúng các cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư nhanh, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực; những dự án đăng ký phải là dự án thật, loại bỏ các dự án ảo; đồng thời, quan tâm, có chiến lược kinh doanh lâu dài, lành mạnh, bền vững tại tỉnh Hậu Giang. Doanh nghiệp đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, cùng chính quyền địa phương và các đoàn thể chung tay giúp đỡ các gia đình có công, đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa. Phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền để kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ thỏa đáng cho người dân, tạo điều kiện cho người dân địa phương được đào tạo nghề, có công ăn việc làm, phúc lợi xã hội.
Thủ tướng tin tưởng, với sự quyết tâm, đồng lòng, tư duy đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Thông qua Hội nghị này, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại Hậu Giang để làm giàu cho chính mình và góp phần vào sự phát triển của tỉnh Hậu Giang và đất nước Việt Nam.