Sáng 2/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22 ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế", chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng đề nghị khái quát 3 chuyển biến lớn mà kết quả triển khai Nghị quyết đã mang lại. Thứ nhất là chuyển biến lớn về nhận thức. Theo đó, hội nhập quốc tế đã trở thành "sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị"; thực sự trở thành "định hướng chiến lược lớn" của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thứ hai là chuyển biến lớn về hành động, từ hội nhập kinh tế quốc tế là chủ yếu sang hội nhập quốc tế chủ động, toàn diện, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, an ninh-quốc phòng, kinh tế, văn hóa-xã hội; từ tham gia là chủ yếu sang chủ động, tích cực đề xuất sáng kiến, xây dựng và định hình luật chơi; vừa hợp tác, vừa đấu tranh.
Thứ ba, từ chuyển biến về nhận thức và hành động đó đã dẫn đến những kết quả rất rõ nét trong nâng cao vị thế, tiềm lực đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế...
Đến nay, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước. Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện và 7 nước lên Đối tác toàn diện góp phần tạo ra mạng lưới Đối tác chiến lược/Đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn.
Khẳng định chúng ta còn nhiều tiềm năng, dư địa, cơ hội về hợp tác quốc tế để tiếp tục tranh thủ, phát huy, Thủ tướng nêu một số bài học kinh nghiệm cần quán triệt trong triển khai hội nhập thời gian tới.
Theo đó, phải coi hội nhập quốc tế thực sự là vấn đề chiến lược, là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Phải nỗ lực tạo các điều kiện thuận lợi hơn nữa cả về cơ chế, chính sách và nguồn lực để phát huy vai trò trung tâm của người dân và doanh nghiệp. Hội nhập quốc tế vừa là cơ hội, vừa có thách thức; là việc khó, nhạy cảm nhưng không thể không làm.
Cùng với đó, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, hiệu quả; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nội lực là cơ bản, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Phải coi hội nhập quốc tế chính là một động lực quan trọng để đổi mới và phát triển.
Theo Thủ tướng, quá trình triển khai Nghị quyết và qua các phát biểu của các đại biểu cho thấy nhiều nội dung lớn, nguyên tắc và phương châm chỉ đạo của Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị. Đồng thời, bối cảnh mới, thực tiễn mới cũng đặt ra một số yêu cầu và nhiệm vụ mới trong triển khai hội nhập thời gian tới.
Nêu một số định hướng để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Đề án, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo với hình thức phù hợp về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Thủ tướng cho rằng trước hết, cần tiếp tục suy nghĩ, vận dụng sáng tạo 3 trụ cột trong xây dựng và bảo vệ đất nước.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả;
Thực hiện chính sách quốc phòng "4 không" gồm: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Thủ tướng nêu rõ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, chúng đã mở rộng về lượng, tham gia nhiều tầng nấc hội nhập khác nhau cả song phương và đa phương.
"Đây là thời điểm để chúng ta duy trì, củng cố các thành tựu đã đạt được và tạo ra được các bước phát triển mới về chất, tranh thủ hiệu quả các xu thế mới về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, về chuyển dịch, tái sắp xếp các chuỗi cung ứng, các mạng lưới FTA mà Việt Nam đã tham gia, các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện để đưa được đất nước vào vị trí tối ưu trong cục diện quốc tế mới và tranh thủ tối đa các nguồn lực cho phát triển đất nước", Thủ tướng nêu rõ.