Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 4/9 đã đồng ý về một kế hoạch cứu trợ trị giá khoảng 65 tỷ Euro nhằm giảm bớt áp lực cho hàng triệu hộ gia đình Đức trong bối cảnh lạm phát và chi phí năng lượng đang leo thang khi Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Gói biện pháp cứu trợ, là gói thứ ba trong năm nay, bao gồm kế hoạch tiếp tục giảm cước phí vận tải công cộng và giảm thuế cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng ở Đức để từ đó giảm gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm với các đại diện trong liên minh cầm quyền, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, chính phủ của ông sẽ cung cấp 1,5 tỷ Euro để tiếp tục giảm giá cước vận tải công cộng sau khi chương trình vé ưu đãi giá 9 Euro/tháng (áp dụng trong 3 tháng) hết hạn vào cuối tháng 8.
Ngoài ra, chính phủ Đức cũng quyết tâm giới hạn - và thậm chí phân phối lại - lợi nhuận khổng lồ mà các công ty năng lượng thu được từ cuộc khủng hoảng hiện tại; tăng chi trả cho người hưu trí, sinh viên, phụ huynh và những người thất nghiệp; và các hành động để kiềm chế tốc độ tăng chóng mặt của giá điện.
Các biện pháp này là “một bước lớn, thực chất để cứu trợ người dân”, Thủ tướng Scholz nói, đồng thời cho rằng cuộc khủng hoảng hiện tại là “trách nhiệm của ông Putin” khi đề cập đến Tổng thống Nga và cuộc chiến ở Ukraine.
Thủ tướng Scholz cũng trấn an người dân về nguồn cung cấp năng lượng của Đức trước mùa đông, sau khi Nga tuyên bố ngừng cung cấp “vô thời hạn” khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 từ 3/9.
Ông Scholz cho biết, chính phủ của ông đã đưa ra “quyết định kịp thời” để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt trong mùa đông, chẳng hạn như lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt và khởi động lại các nhà máy điện than.
“Chúng ta sẽ vượt qua mùa đông này”, ông khẳng định.
Đây là gói cứu trợ thứ ba trong năm nay. Hai gói trước đó bao gồm gói về giảm giá xăng, hết hạn vào cuối tháng 8, chương trình vé vận tải công cộng 9 Euro và một khoản thanh toán cố định giá năng lượng cho người lao động.
“Đòn bẩy tài chính”
Theo Văn phòng Thống kê Liên bang, lạm phát ở Đức đã tăng lên gần 8% trong tháng 8 sau khi giảm nhẹ vào tháng 6 và tháng 7 do các chương trình ngắn hạn của chính phủ nhằm giảm gánh nặng tiêu dùng trong lĩnh vực giao thông.
Lĩnh vực năng lượng đã chứng kiến mức tăng giá lớn nhất, trong bối cảnh Đức đã và đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng tồi tệ, đặc biệt là kể từ khi Nga quyết định “khóa van” vô thời hạn đường ống Nord Stream 1 sau thời hạn bảo trì gần đây nhất (ngày 2/9)
Một lĩnh vực khác đang chứng kiến lạm phát tăng vọt là hàng tạp hóa, với mức tăng 12% trong tháng 6, trong khi đạt 16,6% vào tháng 8.
Chính phủ Đức đã phản ứng bằng cách kích hoạt giai đoạn 2 của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm 3 cấp độ, và đang xem xét nới lỏng một số chính sách năng lượng và môi trường cốt lõi của mình để giảm thiểu tác động từ động thái của Nga, bao gồm cả việc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân và điện than sắp bị đóng cửa theo kế hoạch.
Đức cũng hứa sẽ hỗ trợ nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm kiềm chế lợi nhuận tại các công ty năng lượng. Chính phủ Đức cho biết, một động thái như vậy sẽ tạo ra “đòn bẩy tài chính” có thể được sử dụng để giảm bớt tác động từ giá cả tăng cao đối với người tiêu dùng châu Âu.
Lời hứa của Đức được đưa ra trước cuộc họp khẩn của các bộ trưởng năng lượng của khối vào ngày 9/9 tới. Các biện pháp khác mà cuộc họp sẽ thảo luận bao gồm giới hạn giá điện sản xuất từ năng lượng tái tạo, than và hạt nhân.
Minh Đức (Theo Bloomberg, DW)