Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins ở Berlin hôm 1/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng Nga nên là nước đầu tiên thực hiện một bước tiến tới hòa bình ở Ukraine.
Ông Scholz cho rằng rõ ràng Nga đã tấn công Ukraine, và Nga là quốc gia “phải làm điều gì đó” để có thể đạt được hòa bình. Ông muốn thấy quân đội Nga rút lui trước.
Ông Scholz tuyên bố rằng giờ là lúc cần chú ý đến “tình hình chính sách an ninh ở sườn phía Đông của NATO”.
“Trong trường hợp bị tấn công, chúng tôi sẽ cùng nhau bảo vệ từng centimet lãnh thổ của liên minh”, ông Scholz nói, đồng thời khẳng định phương Tây sẽ tiếp tục “hỗ trợ Ukraine nhiều nhất có thể”.
Trên thực địa, giao tranh chưa bao giờ ngừng tăng nhiệt ở Donbass. Ukraine hôm 1/3 cho biết họ đang gửi quân tiếp viện đến thành phố Bakhmut ở vùng Donetsk nhưng không nói rõ sứ mệnh của đội quân này là gì. Thành trì miền Đông này là nơi đã chứng kiến giao tranh ác liệt giữa hai bên trong nhiều tháng qua, và gần đây các lực lượng Nga đang nỗ lực siết chặt vòng vây.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Anna Malyar cho biết hôm 1/3 rằng chính phủ của bà đã bắt đầu triển khai các binh sĩ mới tới Bakhmut, nơi diễn ra trận chiến kéo dài nhất trong cuộc xung đột, nhưng bà không cho biết có bao nhiêu binh sĩ đã được gửi đến.
Quan trọng hơn, bà Malyar, phát biểu trên truyền hình Ukraine, không cho biết quân tiếp viện sẽ đóng vai trò gì trong trận chiến khiến thành phố Bakhmut bị tàn phá đến mức không còn ra hình dạng gì.
Tuy nhiên, có khả năng các lực lượng mới có thể được sử dụng để củng cố các vị trí phòng thủ, bảo vệ lãnh thổ, và gây thương vong tối đa cho đối phương. Các lực lượng mới cũng có thể được sử dụng để “cầm chân” các lực lượng Nga để họ không thể tái triển khai quân tại các khu vực khác.
Ngoài ra, quân tiếp viện cũng có thể được cử đến để cung cấp hỗ trợ hậu cần cho việc Ukraine rút quân khỏi Bakhmut.
Minh Đức (Theo TASS, NY Times)