Các nhà lãnh đạo của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đã gặp nhau trong Hội nghị Thượng đỉnh bổ sung do Chủ tịch luân phiên Ấn Độ tổ chức theo hình thức trực tuyến hôm 22/11, nhất trí giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel dựa trên nguyên tắc hai nhà nước để đảm bảo sự ổn định ở Trung Đông,
“Giải pháp hai nhà nước là cần thiết để thiết lập sự ổn định ở Tây Á”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết sau hội nghị ở New Delhi.
Đây là sự kiện quốc tế đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự và phát biểu bên cạnh các nhà lãnh đạo phương Tây kể từ khi Điện Kremlin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Thành viên G20 gồm các nước G7 (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Canada, Italy), các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), các nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn (Australia, Argentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Ả Rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ) và Liên minh châu Âu (EU).
Tại hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi nhà lãnh đạo Nga rút quân khỏi Ukraine.
“Tôi đã kêu gọi Tổng thống Putin chấm dứt cuộc tấn công vào Ukraine và rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine để cuộc chiến này cuối cùng có thể kết thúc”, ông Scholz cho biết tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Italy Giorgia Meloni – người đang có chuyến thăm tới Berlin – sau khi hội nghị G20 kết thúc.
Ông Scholz cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến mà ông đã tham dự cùng với người đồng cấp Italy là “cơ hội tốt để chúng tôi nói rõ rằng hòa bình ở Ukraine đang bị đe dọa vì Nga tấn công, và hòa bình có thể dễ dàng khôi phục nếu Nga rút quân”.
“Và chúng tôi đã nêu rất rõ điều đó”, ông Scholz nói, đánh giá rằng hội nghị này thú vị ở chỗ ông Putin phải lắng nghe lời kêu gọi rút quân từ các nhà lãnh đạo phương Tây.
Bà Meloni cho biết bà đồng tình với nhận định của ông Scholz. Thủ tướng Italy cho rằng thật “dễ dàng” cho ông Putin khi dự hội nghị trực tuyến như thế này vì nhà lãnh đạo Nga không phải rời Moscow.
Về phần mình, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 hôm 22/11, Tổng thống Nga Putin bác bỏ những lời chỉ trích về chiến dịch của ông ở Ukraine. Ông cho biết Nga chưa bao giờ từ chối tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine.
Theo quan điểm của ông, Ukraine sẽ không đàm phán. Ông nói: “Không phải Nga mà là Ukraine đã công khai tuyên bố rút khỏi quá trình đàm phán. Và hơn nữa, một sắc lệnh của Nguyên thủ Quốc gia Ukraine đã được ký kết để cấm các cuộc đàm phán như vậy với Nga”.
Tổng thống Nga cũng lưu ý rằng G20 được thành lập để tìm giải pháp cho các vấn đề kinh tế và xã hội quốc tế cấp bách. Ông cho biết cách tiếp cận hợp nhất như vậy là rất cần thiết. “Đặc biệt là vì các nỗ lực đối đầu dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn tiếp diễn”, ông nói.
Nhà lãnh đạo Nga cũng thảo luận về cuộc xung đột ở Gaza. Ông hỏi liệu các đồng nghiệp của ông tại G20 có bị sốc trước cái chết của dân thường ở Dải Gaza hay không.
Ông Putin cũng tận dụng Hội nghị Thượng đỉnh này để xác định lỗi của phương Tây trong các vấn đề của nền kinh tế toàn cầu.
Theo bản ghi của Điện Kremlin về bài phát biểu của ông Putin, Tổng thống Nga nói rằng hàng nghìn tỷ USD và euro đã được chuyển vào nền kinh tế thế giới, một phần để chống lại đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến lạm phát toàn cầu và tăng giá thực phẩm và năng lượng, khiến các nước nghèo nói riêng đang phải gánh chịu hậu quả.
Các quốc gia phương Tây cho rằng cuộc chiến của Nga với Ukraine đã gây ra lạm phát. Ông Putin phản bác lập luận trên. Ông nói: “Đó không phải là hành động và nỗ lực của chúng tôi để đạt được công lý ở Ukraine. Không! Đó là hành động của các nền kinh tế lớn nhất thế giới”.
Lãnh đạo Điện Kremlin phàn nàn rằng cạnh tranh kinh tế hiện nay không công bằng sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine dẫn đến sự gián đoạn các kết nối vận tải và hậu cần của Nga cũng như ngăn chặn các giao dịch thanh toán.
Ông Putin cũng mô tả các vụ nổ đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 ở Biển Baltic năm ngoái, đến nay vẫn là bí ẩn chưa có lời giải, là hành vi khủng bố nhà nước.
Minh Đức (Theo Anadolu Agency, DPA/Bellingham Herald, TASS)