Chiều 27/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Tp.HCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm. Đây là lần thứ 2 trong vòng 3 tháng, Thủ tướng làm việc với thành phố.
Tp.HCM có nhiều việc phải làm
Phát biểu mở đầu buổi làm việc với các lãnh đạo UBND Tp.HCM, Thủ tướng chia sẻ tự hào với những thành tựu về kinh tế, xã hội "đáng ngạc nhiên" của Thành phố sau đại dịch. Một tháng qua, Tp.HCM đã đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Dù vậy, Thủ tướng cũng nêu ra một số khó khăn liên quan đến thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán đang có tác động và có thể gây ra rủi ro cho nền kinh tế.
"Những vấn đề này đã tích lũy nhiều năm, không thể giải quyết ngày một ngày hai. Như khi chống dịch, chúng ta mới thấy bình thường hệ thống y tế có thể đảm bảo được, nhưng khi không bình thường thì y tế không trụ nổi. Tương tự như kinh tế bây giờ. Chúng ta cần theo đúng quy luật thị trường là cung cầu, là cạnh tranh, ai sai xử lý, ai làm tốt phải bảo vệ, ủng hộ họ nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhìn nhận Tp.HCM có nhiều việc phải làm, nhưng Thành phố nên chọn việc quan trọng làm trước, trong đó có việc giải ngân đầu tư công, một trong những điểm yếu của hệ thống trong nhiều năm.
Theo đó, năm nay việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công rất cần, vì tổng lượng vốn năm nay lớn hơn so với mọi năm.
"Tp.HCM cố gắng, chúng tôi trong chức năng, nhiệm vụ, Chính phủ, nhất là các bộ, ngành sẽ cùng Tp.HCM tháo gỡ những vướng mắc về đầu tư công. Chúng ta cùng giải quyết để Tp.HCM đưa nguồn lực này vào hỗ trợ các chính sách khác sẽ tác động đến phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung", Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị Tp.HCM chọn một vài việc làm trước, trên cơ sở Thành phố và Chính phủ cùng làm.
Theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta còn nhiều khó khăn, khó khăn từ bên ngoài dồn vào, vấn đề xung đột trên thế giới, áp lực lạm phát rất cao từ bên ngoài...
Tp.HCM làm một số việc, Chính phủ cùng làm một số việc, các bộ ngành làm một số việc, các địa phương làm một số việc, các đối tượng người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, mỗi người cố một chút trong lúc khó khăn này để vượt qua.
Loạt kiến nghị về đầu tư công
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi cho biết, về kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đến hết ngày 25/11/2022, tổng số vốn đã giải ngân đạt 12.665 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 34%, thấp nhất cả nước.
Về việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm trên địa bàn Thành phố, theo ông Mãi, đối với dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đã triển khai 4/5 gói thầu xây lắp và thiết bị.
Tổng khối lượng thực hiện của dự án đạt 92,89%. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2023 chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Vì vậy, người đứng đầu chính quyền Tp.HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan quan tâm, hướng dẫn và hỗ trợ Thành phố hoàn tất thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điểu chỉnh thời gian thực hiện dự án.
Đối với Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương, theo ông Mãi, hiện tỉ lệ bàn giao mặt bằng đến nay đạt 85,45% (501/586 trường hợp). Trong đó, 4/6 quận đã hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Hiện còn lại 85 trường hợp trên địa bàn 2 quận (quận 3, Tân Bình) chưa bàn giao mặt bằng. Dự kiến đến quý II/2023, hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của Dự án.
Đến nay, Thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán bồi thường và đang tiến hành đấu thầu xây lắp di dời công trình điện; dự kiến khởi công xây dựng cuối năm 2022, hoàn thành vào cuối năm 2024 để sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu chính (thi công đoạn đi ngầm, trên cao) vào năm 2025.
Với dự án này, ông Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ trao đổi với phía Đức tiếp tục có chỉ đạo các cơ quan hữu quan tái cam kết và thúc đẩy thu xếp tài chính thông qua việc gia hạn các khoản vay 1, 2 đã ký với Ngân hàng Tái thiết Đức đến năm 2030 và các khoản vay bổ sung như đã cam kết.
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 trên địa bàn Tp.HCM, đến nay, Thành phố đã hoàn thành các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong các buổi họp Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia về lĩnh vực giao thông hàng tháng.
Với dự án này, UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu giao bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Thành phố (ngoài nguồn vốn 142.557 tỷ đồng đã giao) để bổ sung cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Tp.HCM trên địa bàn Thành phố là 19.449 tỷ đồng.
Ngoài ra, Chủ tịch Tp.HCM cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng khẩn trương đánh giá và có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhập khẩu xăng dầu, bất động sản.
Về thị trường xăng dầu, Thành phố tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sửa đổi các quy định của pháp luật để hệ thống cung ứng xăng dầu vận hành theo hướng đảm bảo lợi ích hài hòa của các khâu trong chuỗi phân phối.
Trong đó, chú trọng mở room tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu, ghi nhận đầy đủ và kịp thời các khoản chi phí trong hình thành giá cơ sở. Tính toán tỉ lệ chiết khấu hợp lý để đảm bảo an ninh chuỗi bán lẻ xăng dầu, và đồng thời phải tính toán lại công tác tổ chức dự trữ xăng dầu quốc gia vì đây là mặt hàng có tính chiến lược quan trọng.
Ngoài ra, Thành phố kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông tin đầy đủ để người mua trái phiếu an tâm hơn.