Thủ tướng làm Trưởng BCĐ Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 4, 23/10/2024 11:48

Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1243 thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo. Các Phó Trưởng ban gồm: ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;  Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Phó Trưởng ban kiêm Thường trực Ban Chỉ đạo).

Thủ tướng làm Trưởng BCĐ Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng BCĐ Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước (Ảnh: VGP).

Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ, quyền hạn: Tham mưu, đề xuất các phương án, giải pháp, cách làm cụ thể, hiệu quả để đến hết ngày 31/12/2025 hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, bao gồm cả 3 chương trình: Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Hỗ trợ nhà ở theo các Chương trình mục tiêu quốc gia; Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. 

Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo do Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành; sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo giao, bảo đảm không tăng biên chế của Bộ được cơ quan có thẩm quyền giao.

Các cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo sử dụng bộ máy hiện có của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

Ban Chỉ đạo tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025" được phát động từ tháng 4/2024 đã triển khai bước đầu có hiệu quả.

Khi bắt đầu phát động chương trình này, ước tính có khoảng 170.000 nhà tạm, nhà dột nát cần sửa chữa, xây mới, đến nay còn khoảng hơn 153.000 nhà.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu trong năm 2025, phải hoàn thành cả 3 nội dung: hỗ trợ nhà ở cho người có công; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia; (iii) sửa chữa, xây mới 153.000 nhà trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bài học kinh nghiệm quan trọng là cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với cách làm hiệu quả nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương và của cả các gia đình thụ hưởng chính sách; giảm khâu trung gian; từ đó triển khai nhanh chóng, thực chất, hiệu quả, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, người dân thụ hưởng thật.

Phương châm là Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm chủ, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội hỗ trợ, kêu gọi người dân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ với tinh thần cả nước chung tay, "ai có gì giúp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều".

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.