Theo báo cáo của UBND Thừa Thiên-Huế, quần thể Di tích cố đô Huế là tài sản vô giá của quốc gia, được UNESCO công nhận di sản văn hóa của nhân loại, mặc dù đã được tập trung đầu tư bảo tồn, tu bổ, phục hồi đồng bộ trong thời gian qua nhưng đến nay vẫn còn nhiều công trình, hạng mục xuống cấp nghiêm trọng.
Quá trình di dân trong thời gian chiến tranh (1945-1975), cùng với quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số hằng năm tạo áp lực lớn lên vùng bảo vệ di tích, trong đó khu vực 1 di tích Kinh thành Huế đang có khoảng 4.201 hộ dân sinh sống.
Do sống trong khu vực 1 di tích không được nâng cấp, tu sửa công trình, cùng với diện tích chật hẹp, địa hình dốc hẹp, đi lại khó khăn, người dân trong khu vực nghèo khó sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp, các điều kiện về vệ sinh, môi trường không bảo đảm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhân dân và mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích. Ngoài ra, rất đông dân cư sinh sống trên các di tích đã thải nhiều chất thải sinh hoạt làm mất vệ sinh và làm cho di tích nhanh chóng xuống cấp, cấp thiết cần được di dời.
Do đó, Thừa Thiên-Huế lập đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế”. Trong đó, giai đoạn 1 (2019-2021), dự kiến di dời 2.938 hộ với gần 11.000 nhân khẩu.
Tại cuộc làm việc, tỉnh cũng trình khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực 1 Kinh thành Huế. Theo đó, kinh phí thực hiện di dời vào khoảng 1.880 tỷ đồng trong giai đoạn 1 và 855 tỷ đồng cho giai đoạn 2 (2022-2025).
Tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn, cho phép áp dụng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đặc thù cũng như nêu một số đề xuất khác.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo Thừa Thiên-Huế. “Các đồng chí rất chủ động, tích cực, trách nhiệm trong việc trùng tu, tôn tạo, giữ gìn di tích Kinh thành Huế. Các đồng chí đã làm liên tục trong mấy chục năm qua. Đây là cố gắng rất lớn của các thế hệ người dân Huế cũng như Đảng bộ, chính quyền ở đây”.
Theo Thủ tướng, việc bảo vệ di tích Kinh thành Huế, di sản văn hóa thế giới, là di sản quốc gia đặc biệt, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, trước hết là trách nhiệm của Thừa Thiên-Huế.
Trước mắt, Thủ tướng cho rằng, cần tập trung di dời dân cư trong khu vực 1 với 2.938 hộ.
Thủ tướng lưu ý, Thừa Thiên Huế phải dành đất đai có vị trí thuận lợi cho người dân tái định cư, “để họ không phải đi quá xa Kinh thành Huế và tiếp tục sinh sống bằng nghề nghiệp cũ”.
Tỉnh cần làm tốt công tác vận động dân cư. Về nguồn kinh phí, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực khác nhau. Bên cạnh đó, bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Thừa Thiên-Huế và các bộ, ngành liên quan để tính toán cụ thể việc hỗ trợ kinh phí cho tỉnh.
Về khung chính sách đối với vấn đề này, Thủ tướng nêu rõ chủ trương tạo thuận lợi cho Thừa Thiên-Huế.
Theo chinhphu.vn