Ngày làm việc cuối cùng của Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nửa buổi sáng để thảo luận, cho ý kiến vào nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, dự kiến khai mạc ngày 22/5 tới.
Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với báo cáo dự kiến chương trình do Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, trong đó có một số nội dung như: Quốc hội không làm việc ngày thứ Bảy để dành thời gian cho các Ủy ban và các cơ quan của Quốc hội làm việc, không bố trí thảo luận riêng mà kết hợp thảo luận cùng nội dung kinh tế - xã hội về công tác quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và việc thực hiện bảo hiểm xã hội, quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội...
Đáng chú ý, liên quan đến hoạt động chất vấn, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từng cho ý kiến và thống nhất tăng thời gian chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày vì đây là vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.
Tuy nhiên, tại báo cáo sáng nay do Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày lại có những ý kiến ĐBQH đề nghị giảm thời gian chất vấn xuống 2,5 ngày.
Mặc dù vậy, trong phiên thảo luận hôm nay, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc để thời lượng dành cho chất vấn và trả lời chất vấn tăng nửa ngày so với các kỳ họp trước, nâng tổng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn lên 3 ngày. Bởi đây là nội dung rất nhiều kỳ họp, ĐBQH, cử tri cũng mong muốn như vậy. Các buổi chất vấn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Dự kiến có 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành và Phó thủ tướng trả lời chất vấn chính, sau đó Thủ tướng sẽ trả lời, giải đáp những vấn đề Quốc hội, cử tri quan tâm.
Nói rõ hơn về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo luật Giám sát, người được chất vấn phải trực tiếp trả lời, không được ủy quyền. Nhưng thông lệ từ trước đến nay, các kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp trả lời chất vấn, còn với các kỳ họp giữa năm, Thủ tướng sẽ ủy quyền cho một Phó Thủ tướng trả lời chất vấn, thông thường là Phó Thủ tướng Thường trực.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có trao đổi trực tiếp với tôi, đề nghị cho giữ thông lệ này. Thủ tướng không ngại trả lời chất vấn nhưng công việc của Thủ tướng rất nhiều. Do đó, để đảm bảo thực hiện đúng luật Giám sát, cũng để giảm bớt áp lực trong công tác điều hành quản lý của bên Chính phủ và cũng là để cho các Phó Thủ tướng phải xuất hiện, thể hiện bản lĩnh nghị trường của mình, thể hiện khả năng điều hành quản lý lĩnh vực được phân công, hoặc ngoài lĩnh vực được phân công thì thể hiện được khả năng bao quát công việc chung của Chính phủ, Thủ tướng nói mỗi một năm sẽ phân công một Phó Thủ tướng trả lời chất vấn, không chỉ là Phó Thủ tướng Thường trực.
Nhưng để đảm bảo theo luật Giám sát, sau khi các Phó Thủ tướng trả lời, Thủ tướng cũng lên trình bày, nói thêm những vấn đề Phó Thủ tướng nói chưa rõ. Như thế là hài hòa, đảm bảo đúng luật. Thủ tướng có mặt ở đây, vẫn nghe và có ý kiến. Tức là Thủ tướng vẫn phải xuất hiện, có thể trả lời ngắn, không cần trực tiếp trả lời từ đầu đến cuối nhưng vẫn sẽ xuất hiện để nói thêm những vấn đề các Phó Thủ tướng vừa đối thoại", Chủ tịch Quốc hội nói.
“Tôi thấy việc này rất đơn giản. Chúng ta thấy hôm nay Thủ tướng đang đối thoại với 2.000 doanh nghiệp, mà có chưa đầy 500 ĐBQH và trước cử tri cả nước (truyền hình trực tiếp phiên chất vấn), Thủ tướng cũng nên xuất hiện”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
“Được xuất hiện để nhân dân thấy rõ bản lĩnh và năng lực điều hành Chính phủ mà Thủ tướng gọi là Chính phủ kiến tạo. Trước đây, chất vấn Thủ tướng nhưng Phó Thủ tướng trả lời, cử tri không chịu. Khi sửa luật Giám sát đã đưa nội dung đó vào, tức là người được chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn. Tôi nghĩ, Thủ tướng nên xuất hiện, nhưng có thể xuất hiện sau, ở kỳ họp giữa năm. Còn kỳ họp cuối năm thì đương nhiên, Thủ tướng phải xuất hiện từ đầu đến cuối. Tôi sẽ trao đổi lại trực tiếp với Thủ tướng", bà Ngân nói thêm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: "Lần trả lời chất vấn đầu tiên trên cương vị Thủ tướng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất được nhân dân, cử tri và ĐBQH đồng tình, khen ngợi. Đợt chất vấn và trả lời chất vấn vừa rồi rất được hoan nghênh, nhân dân và cử tri thấy được trách nhiệm của Chính phủ, cách làm tạo nên không khí mới trong nghị trường. Lần này, phiên chất vấn sẽ tiếp tục tinh thần đổi mới, tăng tính đối thoại, trả lời trực diện vấn đề ĐBQH và cử tri quan tâm".
Cuối nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thư ký Quốc hội tiếp tục hoàn thiện báo cáo về dự kiến chương trình kỳ họp.
Dương Thu (ghi)