Chiều nay (2/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân, sự kiện cấp cao có quy mô quốc gia, quốc tế lớn nhất trong năm 2019.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng cho biết, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần.
Với sự có mặt của đông đảo lãnh đạo, cơ quan trung ương địa phương, nhà khoa học, Diễn đàn sẽ bàn về những vấn đề then chốt, giải pháp phát triển cho kinh tế tư nhân, khu vực hiện chiếm khoảng 42% GDP cả nước.
Đặc biệt, hơn 2.500 doanh nhân tham dự sẽ đề cập những vướng mắc để tháo gỡ những rào cản, thách thức đối với kinh tế tư nhân.
Theo Thủ tướng, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chứng kiến nhiều thành quả của nền kinh tế, trong đó có vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt từ sau khi có Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường và được người dân tin tưởng.
"Gần 2 năm nữa sẽ diễn ra Đại hội Đảng, Diễn đàn hôm nay là cơ hội để Chính phủ lắng nghe các ý kiến, phát triển hơn nữa doanh nghiệp tư nhân", Thủ tướng nói.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ”.
Phiên toàn thể vừa khai mạc ngày 2/5 là phiên đối thoại lớn với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, Thứ trưởng và lãnh đạo các địa phương.
Khoảng 2.500 doanh nhân tư nhân tham dự phiên toàn thể, đối thoại với Chính phủ, các địa phương theo tinh thần công - tư, để góp phần tháo gỡ các rào cản, nút thắt để phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Cùng với đó, Diễn đàn có 6 hội thảo chuyên đề, tập trung vào các chủ đề quan trọng, tập trung vào các lĩnh vực nổi cộm như du lịch, nông nghiệp, kinh tế số, khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế.
Diễn đàn tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn:
Thứ nhất, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện, những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau gần 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và Nghị quyết số 98-NQ/CP, ngày 3/10/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.
Thứ hai, quảng bá về các thành tựu phát triển và những đóng góp của kinh tế tư nhân Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Thứ ba, tạo cơ hội cho các cơ quan, tổ chức và doanh nhân tư nhân trong cả nước được đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ về hoàn thiện các cơ chế, chính sách để KTTN phát triển hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường XHCN. Đồng thời, Diễn đàn cũng là dịp để các doanh nhân tư nhân kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất - kinh doanh.
Khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam, nhất là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 10-NQ/TW đã có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng và có những đóng góp ngày càng tăng đối với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội.
Theo đó, số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh từ 655.000 năm 2017 lên 730.000 năm 2018 và đạt hơn 743.000 doanh nghiệp vào cuối quý I/2019. Quy mô của nhiều doanh nghiệp ngày càng mở rộng, một số doanh nghiệp đạt tổng tài sản đến hàng trăm ngàn tỉ đồng và sử dụng hàng chục ngàn lao động. Khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm khoảng 40% GDP cả nước.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập nhiều nhưng khả năng trụ vững và phát triển hiệu quả còn thấp. Phần lớn (97%) doanh nghiệp tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với khoảng 70% doanh nghiệp đăng ký có quy mô dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới 5 tỉ đồng. Cùng với đó là vốn ít, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ quản lý yếu kém, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu, ít đầu tư vào lĩnh vực sản xuất…
Hoàng Yến