Khẳng định vai trò, tôn vinh sự đóng góp của luật sư
Cách đây 68 năm, ngày 10/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về tổ chức đoàn thể LS, khai sinh nghề LS ở Việt Nam. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với giới LS Việt Nam mà còn đặt nền móng cho nền tư pháp XHCN do dân, vì dân. Vì thế, ngày 10/10 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Ngày truyền thống Luật sư (LS) Việt Nam.
Công bố Quyết định này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ: “Ngày Truyền thống LS Việt Nam phải được tổ chức với nguyên tắc thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, tránh hình thức nhằm giáo dục truyền thống, nâng cao đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của LS, biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động LS, gương mẫu trong chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Luật phải là bạn đồng hành của DN, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của DN trong đầu tư, kinh doanh, nhất là khi có quan hệ với nước ngoài”.
Thay mặt giới LS Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam Lê Thúc Anh khẳng định: “Qua gần 70 năm, giới LS đã vượt qua nhiều thử thách để thực hiện sứ mệnh bảo vệ công lý, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Phát huy truyền thống đó, trong giai đoạn mới, giới LS sẽ đoàn kết vững bước tiến lên, không ngừng tu dưỡng phấn đấu thực hiện trách nhiệm cao cả của mình, phát triển cả về số lượng và chất lượng, cung cấp số lượng lớn các dịch vụ pháp lý cho cộng đồng xã hội, trở thành một trong những nhân tố hỗ trợ cho sự phát triển của xã hội”.
Vui mừng đến dự kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống LS Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương những thành tích của LS cả nước đạt được trong những năm qua và khẳng định: “Việc công nhận ngày 10/10 là Ngày truyền thống LS Việt Nam là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về sự phát triển và khẳng định vai trò, tôn vinh sự đóng góp của LS đối với đất nước”.
Nỗ lực góp phần nâng cao tính pháp quyền trong xã hội
Trước những cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển, hội nhập, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền (NNPQ), Thủ tướng yêu cầu giới LS phát huy truyền thống, bản lĩnh nghề nghiệp, nhận thức rõ trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của đất nước thông qua việc thực hiện tốt chức năng được pháp luật xác định, giao phó cho LS là bảo vệ công lý, quyền tự do dân chủ của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, góp phần đắc lực nâng cao tính pháp quyền của các cơ quan nhà nước và để tính pháp quyền chi phối mọi hoạt động trong các lĩnh vực xã hội.
Thủ tướng cũng lưu ý, Liên đoàn phải phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan thực hiện thành công các đề án, chiến lược phát triển đội ngũ và nghề LS, thúc đẩy các dịch vụ pháp lý, mở rộng phạm vi tư vấn, dịch vụ pháp lý trong thương mại, doanh nghiệp. “LS phải là bạn đồng hành của doanh nghiệp, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh, nhất là khi có quan hệ với nước ngoài” - Thủ tướng Chính phủ căn dặn.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, LS phải coi việc tuân thủ Quy tắc đạo đức như một tiêu chí hàng đầu để nâng cao uy tín của nghề, không phụ lòng tin của thân chủ vì đây là một trong những yếu tố cốt lõi của nghề LS và LS phải có tâm trong sáng, vì thân chủ, công lý và công bằng xã hội.
“Đảng và Nhà nước luôn kỳ vọng giới LS với truyền thống, tinh thần phụng sự công lý, thượng tôn pháp luật, LS sẽ chung sức chung lòng vững bước phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường và NNPQ XHCN. Đảng, Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện cho Liên đoàn LS Việt Nam và LS phát triển”.
Ngay sau Lễ công bố, các LS đã tham gia giao lưu để trao đổi, cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến hoạt động hành nghề LS, tổ chức quản lý LS theo chế độ tự quản, giới thiệu về tổ chức, hoạt động của Liên đoàn và các Đoàn LS trong cả nước.
Cũng tại buổi lễ, Liên đoàn LS Việt Nam đã phát động phong trào “LS góp đá xây dựng và bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa”. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn LS Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, giới LS luôn hướng về biển đảo và quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của đất nước. Qua phong trào này, các LS, tổ chức hành nghề, Đoàn LS trên cả nước sẽ tích cực tham gia đấu tranh trên các mặt trận pháp lý của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền biển đảo, ủng hộ vật chất góp phần bảo vệ Trường Sa thân yêu. Ngay sau khi phát động, đến hôm nay, Liên đoàn đã quyên góp được 140 triệu đồng. Mọi đóng góp sẽ được Liên đoàn chuyển đến quân và dân huyện đảo Trường Sa ngay sau khi tổng kết đợt 1 (từ 10/10 - 22/12/2013). |
Theo Hương Giang (Pháp luật Việt Nam)