Đồng chủ trì còn có Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân Thuận Hữu.
Tham dự buổi gặp mặt còn có rất nhiều nhà báo lão thành, lãnh đạo các cơ quan báo chí và đông đảo phóng viên, nhà báo trên cả nước.
Phát biểu chào mừng, Chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu bày tỏ vui mừng và cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ đối với đội ngũ những người làm báo. Nhắc lại chặng đường 93 năm của báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, báo chí đã làm tốt vai trò tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm tốt vai trò định hướng dư luận trên mặt trận tư tưởng, sứ mệnh chính trị, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, thách thức của thời đại công nghiệp 4.0, sự phát triển của mạng xã hội đòi hỏi người làm báo phải giữ vững bản lĩnh, không ngừng học hỏi, đổi mới để bắt nhịp với xu hướng của thời đại.
“Người làm báo cả nước mong muốn nhận được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để tiếp tục làm tốt hơn sứ mệnh của mình”, Chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ.
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân phát biểu tại buổi gặp mặt cũng bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dành cho báo giới thời gian qua, tin, yêu, hiểu và tạo điều kiện cho báo chí. Tuy nhiên, cũng có một số cơ quan chưa phối hợp tốt với báo chí, doanh nghiệp nên mong muốn sẽ tiếp tục được tạo điều kiện một cách tốt nhất. Cái tốt xung quanh chúng ta rất nhiều, việc làm hay không ít nhưng tổ chức để thông tin đến báo chí cũng chưa được tốt, nhiều đơn vị, cá nhân ngại tiếp xúc với cơ quan báo chí nên mong muốn Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện để tổ chức nhiều hơn nữa những chương trình như đại hội thi đua yêu nước, nhân rộng gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong xã hội.
Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập báo Công an Nhân dân cũng bày tỏ sự cảm ơn tới Chính phủ, các lãnh đạo bộ, ban, ngành có mặt tại buổi gặp mặt để chúc mừng các cơ quan báo chí. Trong thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đến việc cung cấp thông tin cho báo chí thông qua kênh Văn phòng Chính phủ, điện thoại trực tiếp từ các lãnh đạo, người có trách nhiệm một cách chính xác, kịp thời.
Tuy vậy, Tổng biên tập báo Công an Nhân dân đồng tình với ý kiến của đại diện báo Quân đội Nhân dân, đề xuất cơ quan chuyên môn, các bộ, ban ngành cần chủ động thông tin cho báo chí, chủ động định hướng kịp thời hơn cho báo chí, nhất là các thông tin quan trọng, nhạy cảm.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, báo chí cách mạng là công cụ sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, báo chí nước nhà đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đưa tin đầy đủ, kịp thời về tình hình trong nước và quốc tế; phản ánh mọi mặt đời sống xã hội; phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay; biểu dương gương người tốt, việc tốt; đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái; góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền quốc gia, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đấu tranh và phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống; qua đó tạo đồng thuận để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Nhiều nhà báo đã trở thành những tấm gương sáng nỗ lực quên mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp này, chúng ta thành kính tưởng nhớ và tri ân những nhà báo đã anh dũng hy sinh trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước như các Liệt sỹ Trần Kim Xuyến, Bùi Đình Túy, Hồ Ca, 2 anh em Bùi Tấn – Bùi Trường…; trong đó riêng Thông tấn xã Việt Nam có 269 liệt sỹ. Chúng ta tự hào về những nhà báo gạo cội như Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thọ, Hồng Hà, Hà Đăng… với những bài báo khai phá, mở đường cho đổi mới tư duy, góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc xã hội, tháo gỡ những điểm nghẽn cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Ngày nay, nhiều nhà báo tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, không quản hiểm nguy, khó khăn, gian khổ, dũng cảm thâm nhập thực tế, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề bức xúc, thiên tai, bão lũ…; làm phóng sự điều tra về các vụ án hình sự, tham nhũng, tiêu cực phức tạp. Chúng ta rất cảm động trước những tấm gương nhà báo đã hy sinh, bị hành hung, gây thương tích trong khi làm nhiệm vụ báo chí thời bình, trong đó có Liệt sỹ Đinh Hữu Dư hy sinh khi tác nghiệp đưa tin bão lũ tại Yên Bái. Nhiều nhà báo đã có những bài viết hay, và có ý nghĩa thiết thực trên các mặt đời sống xã hội, đạt giải cao trong các giải báo chí toàn quốc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng Đảng; thông tin đối ngoại…
“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đánh giá cao, biểu dương và chúc mừng sự nỗ lực và những thành tích của các cơ quan thông tấn báo chí và đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng chia sẻ với các cơ quan báo chí, với đội ngũ nhà báo về những khó khăn, thử thách và mong muốn các nhà báo tiếp tục làm tốt và phải làm tốt hơn nhiệm vụ công tác thông tin, tuyên truyền đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng cũng giao một số nhiệm vụ trọng tâm cho các cơ quan báo chí:
Thứ nhất, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu đạt được, tập trung khắc phục nhanh những hạn chế, tồn tại trong hoạt động báo chí, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm là thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Đề nghị các đồng chí lưu ý, tập trung tuyên truyền đến nhân dân các vấn đề thời sự, bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều này không có nghĩa là không được nói những ý kiến khác mà góp ý, phản biện phải trên tinh thần xây dựng, đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng lúc, đúng chỗ. Kiên quyết không để tình trạng báo chí giật tít giật gân, kích động. Trong từng hoạt động báo chí cụ thể như phỏng vấn, đưa tin, ghi hình đều phải định hướng tốt, phục vụ tốt yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Báo chí cần chú trọng tuyên truyền về mặt tốt, mặt tích cực, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự phấn khởi, lạc quan trong xã hội, tạo động lực tinh thần thúc đẩy công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
Thứ hai, báo chí phải thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực, vừa là kênh phổ biến, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, thực hiện tinh thần trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân; phản ánh kịp thời, trung thực những nguyện vọng, ý kiến, truyền tải thông tin thiết thực đến toàn thể nhân dân. Để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp với phương châm 10 chữ “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”, tôi đề nghị Báo chí luôn đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thông tin tuyên truyền, củng cố niềm tin và sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Báo chí cùng tham gia giám sát các cơ quan trong toàn hệ thống hành chính nhà nước, thực hiện phương châm 10 chữ nêu trên của Chính phủ.
Đồng thời, Báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống lại các thế lực thù địch; tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chủ động bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội.
Thứ ba, các cơ quan chủ quản và lãnh đạo các cơ quan báo chí phải thường xuyên quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà báo, người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng; như cố nhà báo Hữu Thọ đã nói: “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
Tôi lưu ý, qua những sự việc vừa xảy ra, chúng ta phải quản lý tốt hơn đội ngũ phóng viên, người làm báo; xử lý nghiêm các trường hợp có bài viết kích động, không theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước - không để tình trạng một con sâu làm rầu nồi canh.
Trước xu hướng thông tin trên mạng ngày càng nhiều, có cả những thông tin tốt và thông tin xấu, độc, từng cơ quan báo chí và mỗi nhà báo đề cao trách nhiệm, chọn lọc thông tin, kiểm định tính xác thực; làm tốt chức năng định hướng dư luận xã hội, hướng người dân vào những giá trị chân, thiện, mỹ. Các cơ quan quản lý báo chí, cùng với việc khen thưởng thành tích tốt, cần xử lý nghiêm trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật.
Thứ tư, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, đòi hỏi đội ngũ nhà báo, người làm báo phải nhanh chóng tiếp cận với công nghệ truyền thông mới, phương pháp làm báo mới. Báo chí dưới mọi hình thức đều phải nhanh nhạy cập nhật công nghệ mới, mở rộng các hình thức, các kênh tiếp cận công chúng, vừa kịp thời nắm bắt tình hình, vừa đưa tin và định hướng dư luận. Khi có vấn đề phức tạp, gây bức xúc dư luận, đề nghị các đồng chí phải thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng để thống nhất định hướng xử lý và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân, đặc biệt là những cơ quan báo chí, truyền thông lớn như VTV, VOV, TTXVN… phải đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ này, phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động báo chí, thông tin, tuyên truyền.
Các đồng chí lưu ý, hiện nay trên mạng xã hội có nhiều thông tin trái chiều với luận điệu sai trái, bị các đối tượng phản động lợi dụng. Tôi đề nghị, báo chí phải chủ động đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, để toàn xã hội, cả đội ngũ nhà báo, phóng viên, cán bộ, công chức, người dân vào cuộc, nhận thức đúng, hiểu đúng và tích cực đưa tin phản bác. Các thông tin sai trái trên mạng xã hội cần được phản biện, phản bác công khai, kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng thời, tôi đề nghị các đồng chí vừa phải bảo đảm chất lượng thông tin, vừa quan tâm đổi mới, xây dựng mô hình tòa soạn, cơ quan báo chí với phương thức hoạt động và các cơ chế, chính sách, quy định quản lý phù hợp. Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, bảo đảm thu nhập, đời sống của nhà báo, người làm báo, người lao động trong các cơ quan báo chí. Quan tâm tới vấn đề kinh tế báo chí nhưng không để mặt trái cơ chế thị trường tác động làm cho báo chí bị thương mại hóa, làm sai tôn chỉ mục đích, đi chệch định hướng mà chính các cơ quan báo chí chúng ta đã lên án.
Thứ năm, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật và triển khai thực hiện quy hoạch báo chí theo Đề án được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng thông qua, vừa bảo đảm quản lý tốt, vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển. Các đồng chí phải chung tay chia sẻ khó khăn với các cơ quan báo chí, cộng đồng nhà báo, người làm báo, phải tạo mọi thuận lợi để báo chí làm tốt hơn nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.
“Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi mong muốn và tin tưởng rằng, Báo chí cách mạng, toàn thể đội ngũ nhà báo, người làm báo Việt Nam luôn xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng tiên phong, kiên trung trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, của dân tộc; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của chính nghĩa, sức mạnh của thời đại; chung sức đồng lòng vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Dương Thu