Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu tại TP.Đà Nẵng (GEF) sắp chính thức diễn ra trong 2 ngày 27-28/6 tới đây. Sự kiện sẽ thu hút sự tham gia của hơn 1.300 lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, Bộ trưởng các nước, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.
Theo vụ Thi đua, Khen thưởng & Tuyên truyền, bộ Tài nguyên & Môi trường, GEF là một trong những cuộc họp toàn cầu quan trọng nhất về môi trường trong năm 2018. Đến nay, dù chỉ mới có những hoạt động bên lề diễn ra, tuy nhiên, GEF đã và đang cho thấy tầm ảnh hưởng và tính hiệu quả góp phần vào phát triển bền vững trên toàn thế giới, đồng thời bảo vệ các mục tiêu chung toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, kỳ họp GEF lần này sẽ là dịp để từng quốc gia, từng cá nhân thể hiện bằng hành động, nhằm chung tay hiện thực hóa ước vọng của biết bao thế hệ người dân của các màu da, dân tộc về một hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống.
Theo lịch trình, vào sáng 27/6, Thủ tướng Chính phủ sẽ có bài phát biểu chào mừng tại Phiên khai mạc kỳ họp GEF.
Còn bà Naoko Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của GEF, thì kỳ họp lần này là cơ hội để thế giới chung tay kiến tạo nên một hành tinh an toàn hơn, đảm bảo hơn và đáng sống hơn.
Theo bà Naoko, Việt Nam đang có chuyển biến tích cực trong giải quyết vấn đề môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Việt Nam vẫn đang gặp phải những thách thức lớn về môi trường. Do đó, GEF hy vọng hỗ trợ Việt Nam trong giải quyết vấn đề này, trở thành người tiên phong trong khu vực về vấn đề môi trường như giải quyết vấn đề môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long; xử lý rác thải đại dương - vấn đề nóng bỏng toàn cầu.
"Việt Nam và GEF đã trải qua 25 năm hợp tác. Mối quan hệ này sẽ tiếp tục sâu sắc, hiệu quả và phát triển hơn. Khi chúng tôi lựa chọn quốc gia đăng cai kỳ họp này, tôi nghĩ đến Việt Nam đầu tiên. Việt Nam là quốc gia đang gặp phải những vấn đề về môi trường và cũng là quốc gia đi đầu trong giải quyết những vấn đề này. Vì vậy, tôi nghĩ tổ chức năng GEF6 tại Việt Nam sẽ là điều ý nghĩa với tất cả mọi người", bà Naoko nhấn mạnh.
Như tin đã đưa, trước khi kỳ họp chính Đại Hội đồng diễn ra, các sự kiện quan trọng, bên lề bao gồm: Phiên họp Hội đồng GEF lần thứ 54 sẽ diễn ra trong các ngày từ 24 -26/6 và cuộc họp của Hội đồng Quỹ Biến đổi khí hậu Đặc biệt (SCCF)/ Quỹ Uỷ thác cho các nước kém phát triển (LCDF) lần thứ 24 và Diễn đàn Xã hội dân sự...
Ngoài các phiên họp toàn thể sẽ có các cuộc thảo luận bàn tròn về: Lương thực, khôi phục và sử dụng đất; các thành phố bền vững; kinh tế xanh lam; hợp tác để thực hiện Chương trình nghị sự 2030; các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học; kinh tế tuần hoàn; rác thải nhựa đại dương; cảnh quan bền vững Amazon và Congo; động vật hoang dã; giới và môi trường; đổi mới trong năng lượng sạch; tài chính bảo tồn và đất khô cằn bền vững.
Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu diễn ra tại TP.Đà Nẵng với sự tham gia của nhiều Bộ trưởng môi trường và các quan chức cấp cao đến từ 183 quốc gia thành viên cùng với các cơ quan Liên Hợp Quốc,...