Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM là sự kiện chính trị quan trọng, mang tính quyết định với tầm nhìn phát triển của thành phố mang tên Bác – đầu tàu kinh tế của cả nước.
Trong 5 năm qua, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Đặc biệt, đại dịch covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam, trong đó TP.HCM là một trong các địa phương chịu ảnh hưởng nhất.
Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn nội tại, thách thức, nhất là thiên tai, bão lũ, xâm nhập mặn. Song, nhờ sự quyết liệt của hệ thống chính trị, các cấp các ngành doanh nghiệp và người dân cả nước, nước ta đã đạt được nhiêu thành tựu quan trọng với nhiều dấu ấn.
Việt Nam thành công bước đầu phòng chống dịch bệnh covid-19, hồi phục kinh tế, và được thế giới được đánh giá cao. Nước ta cũng là 1 trong số 16 nền kinh tế mới nổi, kinh tế ổn định, lạm phát kiểm soát, xuất siêu trên 17 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục,…
Nhìn lại thành tựu của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP.HCM trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Thủ tướng đánh giá cao khi kinh tế thành phố tăng trưởng khá nhanh, bình quân 2016 – 2019 đạt 7,2%/năm.
Địa phương tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, đóng góp 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước, quy mô kinh tế thành phố giờ đây lớn hơn Việt Nam (giai đoạn từ trước năm 2005), thậm chí lớn hơn một số nước trong khu vực.
TP.HCM cũng đi đầu triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh, chú trọng quy hoạch, chỉnh trang phát triển đô thị, hạ tầng giao thông, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%,…
Bên cạnh những ưu điểm, Thủ tướng đã chỉ ra một số tồn tại hạn chế của thành phố: “Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng tiềm năng, mức độ tăng trưởng kinh tế so với cả nước giảm dần. Động lực mới tăng trưởng của thành phố chưa rõ nét”.
Kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, quy hoạch quản lý đô thị chưa theo kịp phát triển, hội nhập quốc tế, khoa học quốc tế chưa thực sự trở thành đông lực phát triển, cùng với đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm còn hạn chế.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, TP.HCM cần đẩy mạnh lĩnh vực công nghệ, đi đầu trong các lĩnh vực mới, thúc đẩy mô hình kinh doanh mới, phát triển nhanh các lĩnh vực có tiềm năng, giá trị gia tăng, công nghiệp hiện đại, tài chính, ngân hàng,…
Đồng thời, TP.HCM cần tạo sự đột phá để đi đầu, phân hóa, huy động, phân bổ sử dụng hiệu quả nguồn lực. Bởi lẽ, Thành phố không thiếu tiền, nguồn lực, chỉ thiếu chính sách phù hợp”, ông Nguyễn Xuân Phúc nói.
Do đó, cần sớm có bài toán để tháo gỡ các điểm nghẽn cho TP.HCM sử dụng tốt hơn nguồn lực từ đất đai, xã hội,… để phát triển đúng hướng. Cần chú trọng phát triển thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản,….
Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế, tài chính châu Á
Cũng trong phiên khai mạc, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy đã trình bày dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Nhất là trong điều kiện thành phố có biến động về nhân sự chủ chốt, phải xử lý những vụ việc phức tạp kéo dài.
Cùng sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.
Hoàn thành 11/14 chỉ tiêu Đại hội nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong đó có 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Công tác quy hoạch, quản lý và phát triển hạ tầng và dịch vụ đô thị đạt nhiều kết quả thiết thực.
Đặc biệt, năm 2020 trước đại dịch covid-19, Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp sáng tạo phòng, chống dịch hiệu quả, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và phục hồi kinh tế.
Chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng nghèo, gia đình chính sách, có công cách mạng đạt nhiều tiến bộ.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Phong trào vì biên giới hải đảo và phong trào thi đua yêu nước tiếp tục có bước phát triển.
Trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước
Phấn đấu đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 - 9.000 USD.
Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM muốn trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Vì thể, các chỉ tiêu phát triển chủ yếu nhiệm kỳ 2020 – 2025 là phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố.
Cụ thể hơn, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân cần đạt 7%/năm. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc.
Trong 5 năm, tạo việc làm mới cho 700.000 lao động (bình quân 140.000 lao động/năm), tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%. Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước; còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố.
Giữ vững an ninh chính trị, kéo giảm phạm pháp hình sự và tăng tỷ lệ điều tra khám phá án. Giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trên 90%, kéo giảm ít nhất 5% số người chết do tai nạn giao thông hằng năm.