Bất ổn vẫn có cơ hội
Trong buổi chiều ngày 17/1, sau khi lắng nghe những ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước tại phiên Đối thoại chính sách cấp cao xoay quanh vấn đề "Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những nhiệm vụ, mục tiêu cần tập trung triển khai trong năm 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong năm 2017 thành tựu kinh tế đạt mức 6,81% đã vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm gần đây đã đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Để đạt được mức tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã xác định 3 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách, mô hình phát triển kinh tế xã hội và môi trường, đây được coi là nguyên tắc của sự phát triển.
"Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng lên của năng suất lao động, hệ số ICOR giảm dần và đặc biệt tăng trưởng kinh tế song song với ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát...
Dù tăng trưởng thương mại toàn cầu có phần chậm lại do các căng thẳng thương mại và cạnh tranh địa chính trị thế giới, nhưng thương mại đa quốc gia vẫn là động lực của kinh tế Việt Nam.
Việt Nam vẫn luôn được đánh giá có môi trường chính trị-xã hội ổn định. Dù kinh tế khu vực và thế giới có tiềm ẩn bất ổn, song Việt Nam vẫn đang có nhiều lợi thế để bắt kịp với dòng chảy của nền kinh tế", Thủ tướng nhấn mạnh.
Những định hướng trong năm 2019
Trong năm 2019, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung vào những vấn đề trọng tâm; giữ vững sự ổn định chính trị-xã hội và củng cố, ổn định nền kinh tế vĩ mô lẫn vi mô; thúc đẩy mạnh mẽ cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật, năng lực quản trị Nhà nước, cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, chú trọng để FDI gắn kết hơn với khu vực kinh tế nội địa.
Tiếp tục tăng tốc và tạo ra các bứt phá trong việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới chuẩn mực cạnh tranh, minh bạch và công bằng trong tiếp cận các nguồn lực, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Thúc đẩy và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp rộng khắp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thực thi bảo vệ quyền tài sản cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Chính phủ cũng sẽ dành ưu tiên đầu tư cho khoa học-kỹ thuật, bắt nhịp vào những chuyển động nhanh của Cách mạng 4.0, toàn cầu hoá…
Trong năm 2019, Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại toàn bộ các khía cạnh điều hành kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào ba khía cạnh; Cải cách và tiến trình hoạch định phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm trở lại đây; Khía cạnh quản trị của Chính phủ và Chính phủ sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: "Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị của nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên, cải cách, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực FDI trở nên gắn kết với khu vực kinh tế nội địa".