Sự quan tâm của Chính phủ và của các bên tại diễn đàn này thể hiện sự coi trọng và quan tâm đến nguồn nhân lực hiện nay, trước tình hình có nhiều cơ hội và thách thức của du lịch Việt Nam.
Theo tổng cục Du lịch (bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), mỗi năm, toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Nhiều hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo chính quy ở các trường đại học, cao đẳng... nhưng khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung về kỹ năng, ngoại ngữ.
Chính vì thế, tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra nhiều câu hỏi cho các chuyên gia, nhà quản lý về du lịch: “Nguồn nhân lực hiện tại đáp ứng bao nhiêu phần trăm về lượng và về chất để đến năm 2020 Việt Nam phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, và đóng góp trên 10% GDP? Các cơ sở đào tạo ngành du lịch đã làm gì để nguồn nhân lực du lịch đạt chuẩn quốc tế? Các doanh nghiệp trong ngành du lịch có nhận thức được sâu sắc vai trò xã hội và phối hợp tạo điều kiện thực hành và hỗ trợ đào tạo để phục vụ cho chính mình?”
“Các sở, ban, ngành có kịp thời nắm bắt các khó khăn và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho cơ sở đào tạo trên địa bàn? Chế độ đãi ngộ và lương thưởng đã tương xứng và đủ thu hút cho nhân lực ngành du lịch? Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành, cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương cần làm gì để mỗi người dân Việt Nam trở thành một đại sứ du lịch? Đó là những vấn đề mà tất cả chúng ta ngồi đây, mỗi đơn vị trong vai trò của mình phải suy nghĩ, nỗ lực tập trung nguồn lực hợp tác và có hành động cấp thiết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định, việc Việt Nam được chọn cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tháng 2/2019 vừa qua với nhiều hình ảnh đẹp lưu lại trên truyền thông quốc tế, cũng là một sự kiện quan trọng khẳng định Việt Nam là một điểm đến an toàn và góp phần không nhỏ cho việc quảng bá du lịch.
Mặc dù có những thế mạnh và điều kiện như vậy, thực tế khi so sánh với các quốc gia đi đầu trong khu vực, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa. Một số hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải là cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường và chưa đưa yếu tố phát triển bền vững lên hàng đầu, việc xây dựng sản phẩm du lịch còn thiếu đặc sắc và bản sắc, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, năng lực quản lý điểm đến và di sản còn thấp, cơ sở đào tạo chưa đủ.
Từ đó, Thủ tướng chỉ đạo, những khó khăn hiện tại hoàn toàn có thể được khắc phục bằng việc trao đổi ý tưởng, chuyên môn, phương pháp thực hiện giữa các cơ sở quản lý Nhà nước về du lịch và xây dựng chương trình đào tạo chuyên nghiệp hoá – hiện đại hoá nhân lực ngành du lịch ứng dụng công nghệ nhiều hơn trong thời đại 4.0.
“Với việc số lượng nhân lực đào tạo ra mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu thực tế, đây rõ ràng không chỉ là sự cản trở cho phát triển du lịch, mà thật sự đã trở thành mối bận tâm của cả các bộ ngành liên quan. Làm sao để tạo cú hích hiệu quả cho đào tạo, thu hút nhân tài và phát triển nhân lực để từ đó phát triển du lịch nên được thảo luận sâu tại diễn đàn này”, Thủ tướng nói.
Từ đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ ngành, các địa phương, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp phải quyết tâm, nỗ lực đề ra sáng kiến, đề xuất giải pháp cho việc phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Cần hoạch định và triển khai chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực du lịch dài hạn đến năm 2030 đáp ứng về số lượng và chất lượng cho thị trường du lịch. Đồng thời, phải tăng cường xã hội hoá giáo dục nghề du lịch để đáp ứng trong ngắn hạn và dài hạn, có cơ chế thoáng hơn cho việc mở ngành đào tạo nhằm giáo dục đa ngành nghề du lịch đáp ứng nhu cầu thực tế, đặc biệt là những ngành mới có nhu cầu cao như quản lý hàng không, quản lý thể thao và sự kiện.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cần ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ trí thông minh nhân tạo sâu rộng trong giảng dạy để phát triển tối đa hiệu quả đào tạo. “Chúng ta phải đoàn kết để cùng nhau phát triển người làm nghề du lịch một cách toàn diện, bao gồm mặt kiến thức, kỹ năng, và thái độ làm nghề, am tường văn hoá bản địa và quốc tế, hiểu biết xã hội rộng và sâu, có lòng tự trọng, ý thức cộng tác với con người và bảo vệ môi trường”, Thủ tướng chia sẻ.