Ngày 24/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Trăn trở mức thu nhập của một bộ phận công nhân chưa đủ sống
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng năm 2020 là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước; thành công đó cho ta thêm bài học hay, kinh nghiệm quý, thấy rõ hơn sức mạnh Việt Nam, sức mạnh của giai cấp công nhân và toàn dân.
Năm năm qua, sự phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam rất chặt chẽ. Nhiều vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động và hoạt động công đoàn được Chính phủ quan tâm giải quyết kịp thời. Các vấn đề Tổng Liên đoàn đề nghị cơ bản đã được giải quyết.
Tổ chức Công đoàn đã phát huy vai trò tích cực trong việc tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động; tham gia xây dựng thể chế, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.
Cho biết đã nhiều lần đến nhà máy, xí nghiệp ở Bắc, Trung, Nam để thăm hỏi, tìm hiểu đời sống công nhân lao động, Thủ tướng dẫn ra các con số: Năm năm qua, số việc làm tăng 26%, mức lương tối thiểu tăng 1,3 lần, thu nhập bình quân tăng 35%; điều kiện làm việc đã được cải thiện nhiều. “Tôi nhớ có Tết, Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo Tổng Liên đoàn xử lý vấn đề giới chủ bỏ trốn để giải quyết quyền lợi cho người lao động vui Tết đón xuân bình thường”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng gửi tới anh chị em công nhân và người lao động cả nước lời cảm ơn sâu sắc về tinh thần vượt khó, nỗ lực phấn đấu, lao động quên mình vì ấm no, hạnh phúc của mỗi gia đình, vì sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, tổ chức và sự thịnh vượng của nước nhà.
Thủ tướng nêu rõ giai cấp công nhân là chủ thể của phương thức sản xuất công nghiệp, là giai cấp đại diện cho xu thế xã hội hóa của lực lượng sản xuất hiện đại, là giai cấp quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội hiện đại và thông qua đó, chuẩn bị những tiền đề vật chất cho xã hội tương lai. Mặc dù chỉ chiếm 14% dân số và 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đóng góp hằng năm của giai cấp công nhân cho đất nước chiếm hơn 65% tổng sản phẩm quốc dân và hơn 70% ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nhất là dưới tác động của hội nhập quốc tế và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, công nhân và người lao động nước ta đang đối mặt với không ít thách thức. Trình độ tay nghề đang là vấn đề rất lớn, khả năng thích ứng, thu nhập một số ngành ngành còn thấp. Do dịch covid-19 diễn ra trên toàn cầu, nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty phải giảm, giãn việc.
Thu nhập của một bộ phận công nhân chưa đủ sống, học hành của con cái họ, chỗ ở của công nhân còn nhiều khó khăn hay hình ảnh những công nhân xanh xao, gầy gò, “là nỗi trăn trở của tất cả chúng ta, của Thủ tướng Chính phủ đối với giai cấp công nhân Việt Nam”.
Phải dành nguồn lực thỏa đáng chăm lo, hỗ trợ công nhân lao động
Thủ tướng nêu rõ trong giai đoạn phát triển mới, sự lớn mạnh của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Vì vậy, việc chăm lo, bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống và điều kiện làm việc cho công nhân lao động là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi công nhân và toàn xã hội, trong đó tổ chức công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn.
Thủ tướng nhấn mạnh không ngừng nâng cao mức sống cho công nhân lao động. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các cấp công đoàn và người sử dụng lao động trong lĩnh vực quy hoạch đất đai, xây dựng nhà ở, trường học và các thiết chế phục vụ công nhân. Đây là nhiệm vụ cần được ưu tiên đặc biệt trong 5 năm tới. Các địa phương phải dành nguồn lực thỏa đáng chăm lo, hỗ trợ công nhân lao động.
Chính phủ khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn cho người lao động.
Thủ tướng kêu gọi toàn thể công nhân cả nước phát huy truyền thống giai cấp công nhân Việt Nam, vượt qua khó khăn, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, lao động sáng tạo, đóng góp cho sự lớn mạnh của từng doanh nghiệp, vì hạnh phúc của chính mình, gia đình mình và sự phồn vinh của đất nước, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta thành nước phát triển.
“Chúng ta kỳ vọng người công nhân Việt Nam thời kỳ mới là những người có tri thức, kỹ năng cao, tự tôn dân tộc, lao động sáng tạo, tác phong công nghiệp, có việc làm bền vững và mức sống ngày càng cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ các chủ trương, chính sách, pháp luật và giải pháp cụ thể để bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, giảm bớt nỗi vất vả, nhọc nhằn của công nhân nước ta.
Thủ tướng giao bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và Văn phòng Chính phủ tham mưu ban hành một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
“Chúng ta cùng bắt tay nhau lo cuộc sống tốt hơn cho công nhân trong thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh và lấy ví dụ, “nhà ở cho người lao động thì ai lo, trước hết là các địa phương, các khu công nghiệp phải lo, phải dành quỹ đất cho việc này và chúng ta thực hiện thiết chế công đoàn tốt hơn, trong đó có vấn đề nhà ở, trường học, căng tin, nhà trẻ”. Nhà nước bố trí nguồn lực hỗ trợ cùng với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân. Thủ tướng mong doanh nghiệp, người sử dụng lao động vừa lo phát triển doanh nghiệp đồng thời phải lo cho công nhân, lao động để hài hòa lợi ích, không để người lao động thất nghiệp.
Nhân dịp này, Thủ tướng lưu ý, các cấp, các ngành, Tổng LĐLĐ Việt Nam, các doanh nghiệp phải chuẩn bị lo Tết cho công nhân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn để mọi người, mọi công nhân đón Tết đầm ấm, vui tươi.
N.Giang