Theo CNN, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên ghé thăm Trân Châu Cảng kể từ khi kết thúc Thế chiến II.
Phát biểu trước các phóng viên, ông Abe ngụ ý, chuyến thăm này như một hình thức đáp lại tấm thịnh tình của Tổng thống Obama tới thăm thành phố Hiroshima hồi đầu năm.
“Sau chuyến thăm Hiroshima, Tổng thống Obama đã chia sẻ mong muốn về một thế giới không có chiến tranh hạt nhân. Thông điệp này đã được khắc ghi trong trái tim người dân Nhật. Tôi sẽ đến thăm Trân Châu Cảng với Tổng thống Obama. Đó sẽ như một cách nhằm an ủi linh hồn những nạn nhân không may của chiến tranh”, ông Abe cho biết.
Đồng thời lãnh đạo Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn những tội ác chiến tranh sẽ không bao giờ lặp lại nữa.
The Guardian (Anh) thông tin thêm, chuyến thăm này đã được lên kế hoạch hơn 1 năm. Lãnh đạo hai nước quyết định viếng thăm Trân Châu Cảng khi tham dự cuộc họp ngoài lề trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra vào tháng 11 tại thủ đô Lima, Peru. Dự kiến Thủ tướng Nhật Bản sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Hawaii từ ngày 26 đến 27/12 tới.
Trước đó, nhiều thông tin cho rằng ông Abe đến thăm Trân Châu Cảng vì tháng 8 vừa rồi, phu nhân Thủ tướng, bà Akie Abe đã có chuyến thăm đến đây. Khi đó, chuyến thăm của bà Akie đã được lan truyền trên mạng xã hội.
Song, nhiều nhà quan sát dự báo, chuyến thăm Trân Châu Cảng của ông Abe sẽ gây phẫn nộ cho những người bảo thủ tại Nhật. Trong tâm trí của nhiều người Nhật Bản, họ nghĩ rằng Nhật không nên xin lỗi thêm nữa về hoạt động của nước này trong suốt thời kỳ Thế chiến II, khi mà Mỹ chưa bao giờ xin lỗi chính thức vì ném bom hạt nhân Hiroshima và Nagasaki.
Tuy nhiên, một số người dân có tư tưởng cấp tiến lại lên tiếng ủng hộ bước đi này vì cho rằng sau chuyến thăm của ông Obama tại Hiroshima họ rất muốn Thủ tướng đến thăm Trân Châu Cảng.
Trước đó, Tổng thống Mỹ đã có chuyến thăm tới Hiroshima, nơi vào ngày 6/8/1945, quân đội đã thả bom nguyên tử xuống thành phố này khiến 140.000 người thiệt mạng.
Trong chuyến thăm hồi tháng Năm, ông Obama đã gặp những người sống sót sau vụ thả bom hạt nhân, đến thăm bảo tàng Hòa bình. Tuy nhiên, không có bất kì một lời xin lỗi hay bình luận nào về quyết định thả bom hạt nhân tại Hiroshima và Nagasaki được ông chủ Nhà Trắng đưa ra.
Phương Anh