Lập trường của chính phủ Nhật Bản về quan hệ với Nga vẫn không thay đổi sau chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới Kiev, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết hôm 22/3.
“Tôi sẽ không trả lời câu hỏi liệu chuyến thăm của Thủ tướng Kishida tới Ukraine có ảnh hưởng như thế nào đến các chính sách tương lai của Nga đối với Nhật Bản hay không, nhưng chính sách của đất nước chúng tôi vẫn không thay đổi và chúng tôi sẽ tiếp tục hành động phù hợp, có tính đến lợi ích quốc gia của chúng tôi”, ông nói.
Ông Matsuno nhắc lại rằng các vấn đề đánh bắt cá và nối lại trao đổi miễn thị thực với Nga vẫn là một trong những ưu tiên của Tokyo. Theo lời của vị quan chức Nhật Bản, quốc gia Đông Á sẽ tiếp tục tham vấn về những vấn đề đó ở cấp Đại sứ quán.
Ông Kishida đã có chuyến thăm không báo trước tới Kiev hôm 21/3. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản kể từ khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, và là chuyến thăm của nhà lãnh đạo châu Á thứ hai tới đây, sau Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Thủ tướng Nhật Bản cũng là nhà lãnh đạo cuối cùng trong G7 tới quốc gia Đông Âu. Năm nay, Nhật Bản giữ chức Chủ tịch luân phiên G7 và sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này vào tháng 5. Ông Kishida đã mời ông Zelensky tham gia hội nghị thượng đỉnh thông qua liên kết video.
Thủ tướng Nhật Bản dự kiến sẽ trở lại Tokyo sau chuyến công du Ấn Độ, nhưng đã thay đổi kế hoạch và đến thăm Ukraine. Đài truyền hình NHK đã chiếu cảnh ông Kishida lên một chuyến tàu ở thị trấn biên giới Przemysl của Ba Lan, nước láng giềng sát vách với Ukraine.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 21/3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, chuyến thăm của ông Kishida tới Ukraine là theo lời mời của Tổng thống Volodymyr Zelensky, và ông Kishida sẽ trở lại Nhật Bản vào ngày 23/3.
Chuyến thăm của ông Kishida nhằm thể hiện “sự tôn trọng của ông đối với lòng dũng cảm và sự kiên trì của người dân Ukraine đứng lên bảo vệ quê hương của họ”, tuyên bố cho biết thêm.
Nhật Bản đã cùng với các đồng minh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga để phản ứng với chiến dịch của Moscow ở Ukraine, và cũng đã đề nghị hỗ trợ cho Kiev.
Tokyo cũng đã “phá lệ” gửi thiết bị phòng thủ và cung cấp nơi nương tựa cho những người Ukraine chạy trốn khỏi cuộc xung đột.
Tuy nhiên, theo Hiến pháp thời hậu chiến của quốc gia, Nhật Bản đã không cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Nói với các phóng viên hôm 22/3, sau chuyến thăm Kiev, Thủ tướng Kishida cho biết, chính phủ Nhật Bản đã quyết định phân bổ 470 triệu USD viện trợ không hoàn lại phi sát thương cho Ukraine.
Tháng trước, trước thềm dấu mốc một năm xung đột Nga-Ukraine (24/2), Nhật Bản đã cam kết viện trợ nhân đạo 5,5 tỷ USD cho Kiev, gấp 4 lần khoản đóng góp trước đây của Tokyo.
Minh Đức (Theo TASS, DW, CNN)