Tối 26/5, trong phát biểu tại tiệc chiêu đãi các trưởng đoàn tham dự Hội nghị quốc tế tương lai châu Á lần thứ 27 (FOA 2022), Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định, châu Á sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng không chỉ khu vực mà còn trên toàn thế giới.
Theo Thủ tướng Kishida, tình hình quốc tế hiện nay có nhiều biến động và thách thức mà các nước phải đối mặt cũng tương đối khác nhau, nhưng tựu chung có thể nhìn nhận ở 3 vấn đề chính.
Thứ nhất là vấn đề ngoại giao và an ninh, nơi các quyết định và hành động được đưa ra trên cơ sở chính sách của từng quốc gia. Đó là việc ứng phó với những rủi ro xung đột với nền tảng trật tự quốc tế và các giá trị phổ quát như tự do, nhân quyền.
Thứ hai là vấn đề các quy tắc liên quan đến thương mại-đầu tư hoặc chuyển đổi số, trong đó các công ty hoạt động xuyên quốc gia đóng vai trò chính.
Các mạng lưới quy tắc đa dạng hiện nay đang đóng vai trò vô cùng quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA),…
Thứ ba là các vấn đề quốc tế khác như dịch bệnh truyền nhiễm, biến đổi khí hậu… Các nước châu Á cần tích cực hợp tác giảm bớt xung đột và tách bạch vấn đề này với vấn đề ngoại giao, an ninh.
Hình dung về tương lai của châu Á, Thủ tướng Kishida cho rằng hiện tại châu Á không chỉ gói gọn trong phạm vi của châu Á mà được kỳ vọng sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng bền vững cho thế giới.
Tầm nhìn của châu Á cần được đặt trong tổng thể khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, hậu Covid-19, là một khu vực tự do và cởi mở, một khu vực phát triển bền vững mạnh mẽ và một khu vực góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Theo Thủ tướng Kishida, Nhật Bản sẽ tập trung vào 4 hành động chủ yếu là xây dựng một trật tự quốc tế tự do và mở rộng, hợp tác để duy trì một trật tự hòa bình, khôi phục giao lưu con người và tăng cường hợp tác để cùng nhau vượt qua các thách thức.
Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản cũng xác định 5 trụ cột chính trong tăng cường hợp tác với các nước châu Á gồm: Đầu tư vào đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; củng cố chuỗi cung ứng; đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối châu Á; thực hiện bao phủ y tế và xây dựng cộng đồng châu Á không phát thải khí carbon. Cuối cùng, Thủ tướng Kishida khẳng định, Nhật Bản mong muốn là một láng giềng tốt, một đối tác tốt, cùng các nước mở ra tương lai tốt đẹp của châu Á.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nhận định, việc có được một thị trường rộng mở và dựa trên luật lệ là điều cần thiết với kinh tế châu Á. Các nước trong khu vực đang nỗ lực hồi phục sau đại dịch và khắc phục tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Ông nhấn mạnh vai trò của các thể chế đa phương.
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cảnh báo, các vấn đề chuỗi cung ứng do tác động của cuộc chiến ở Ukraine và căng thẳng Mỹ - Trung đang gây ra "các tác động lây lan tiêu cực".
FOA là một diễn đàn quốc tế có uy tín do hãng Nikkei Inc. (tập đoàn thành lập vào năm 1876 và là một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất của Nhật Bản có trụ sở chính tại Tokyo) tổ chức gần như thường niên từ năm 1995, ngoại trừ năm 2020 vì dịch Covid-19. Đây là nơi để các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế và học giả từ khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương trao đổi, thảo luận các vấn đề khu vực và vai trò của châu Á trên thế giới.
Trong suốt lịch sử 27 năm qua, mỗi Hội nghị FOA đều có các chủ đề mang tính thời sự, đề cập các cơ hội và thách thức cấp bách mà châu lục nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt, các xu thế phát triển mới cũng như những cam kết về nỗ lực đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng chung của các quốc gia trong khu vực.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Tuổi Trẻ Online)