Trong chiến dịch tranh cử của mình, Donald Trump từng nói rằng nước Mỹ đã bị các đối tác ở châu Á "qua mặt". Do đó ông đe dọa sẽ rút toàn bộ lực lượng Mỹ ở nước ngoài và từ bỏ vai trò toàn cầu của cường quốc này.
Mặc dù những phát biểu của Trump vẫn thường xuyên gây tranh cãi và chưa hẳn đã mang đến một kế hoạch cụ thể, nó vẫn đủ làm nhiều đối tác của Mỹ phải trằn trọc, trong đó có Nhật Bản.
Ngay trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh mới bắt đầu, các đồng minh chính của Mỹ ở châu Á đã có một liên minh đôi bên cùng có lợi với Washington.
Nhưng mối quan hệ này không hề yên ả như lời mô tả của giới lãnh đạo hai bên. Người Mỹ thường than thở rằng đối tác của họ không cùng chia sẻ gánh nặng chi phí; ngược lại các đồng minh cũng liên tục phàn nàn về việc Mỹ không mang đến một sự chắc chắn cho họ.
Trên thực tế quan hệ đồng minh này là gánh nặng trực tiếp đến kinh tế Mỹ, trong khi vấn đề chủ quyền của các quốc gia châu Á không mang lại lợi ích một cách tương đương. Hiện tại liên minh chính thức với Mỹ bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia/New Zealand, NATO và một số đối tác gần gũi khác.
Trong chiến dịch của mình, Trump khẳng định sẽ làm sáng tỏ những giao ước quân sự hải ngoại và sửa đổi lại chúng theo cách hợp lý hơn. Ông còn cảnh báo mọi thứ không thay đổi, ông sẽ đưa người Mỹ rời khỏi châu Á.
Đánh giá về phát biểu của Trump, Robert Dujarric, chuyên gia từ Viện nghiên cứu châu Á nhận định, về lý thuyết, việc thâu nạp và kêu gọi sự giúp sức từ đồng minh sẽ bảo đảm cho sức mạnh của Mỹ bao phủ trên toàn cầu.
Nhưng trong thực tế, để thành lập và điều hành một mạng lưới an ninh toàn cầu như vậy là một công việc khó khăn, đòi hỏi Mỹ phải có một thời gian dài và một cuộc cách mạng về chính trị-ngoại giao để khởi động.
Dujarric mô tả quyết định của Trump cũng giống như việc một doanh nhân tự đơn phương hủy bỏ hợp đồng quan trọng với khách hàng. Nhưng rồi doanh nghiệp của ông ta sẽ sớm phá sản nếu không mang đến sự hài lòng cho bất cứ ai.
Tất nhiên, vẫn chưa có nước nào rời bỏ Mỹ. Trump chỉ mới thắng cử và đây mới là lúc ông bắt đầu bắt tay vào làm việc với hệ thống hiện tại.
Trên thực tế ông chưa bao giờ tỏ ra quan tâm với các vấn đề đối ngoại và an ninh. Ý tưởng của ông cũng không rập khuôn từ những kinh nghiệm điều hành tập đoàn của mình hay phức tạp như các cựu tổng thống Richard Nixon hay George H.W Bush - những nhân vật luôn bị cuốn hút bởi an ninh quốc gia và các vấn đề ngoại giao.
Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định là đồng minh quan trọng đầu tiên xóa tan sự mơ hồ đang trôi nổi trong suy nghĩ của Trump.
Dường như ông là lựa chọn "đúng người, đúng thời điểm" nhất cho nhiệm vụ này. Thủ tướng Abe đã thay mặt không chỉ Nhật Bản mà tất cả các quốc gia chung mái nhà liên minh với Mỹ, chứng minh sự nhiệt tình trong thời điểm tổng thống đắc cử thể hiện một sự hoài nghi sâu sắc.
Ngoài ra, cuộc gặp mặt của Thủ tướng Shinzo Abe với ông Donald Trump cũng là để "chữa ngượng" cho hành động của mình hồi tháng 9, khi ông tới New York tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Nhà lãnh đạo Nhật Bản đã có cuộc họp trực tiếp với bà Hillary Clinton, trong khi không gặp mặt Trump. Dường như ông Abe đã đinh ninh rằng bà Clinton sẽ là người chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Đến khi phải đón nhận kết quả trái ngược hiện tại, ông Abe cảm thấy rằng một lời chúc gửi đến Trump là không đủ, thay vào đó ông phải có một cuộc gặp mặt càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên cuộc gặp gấp gáp của ông Abe với nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ không hẳn sẽ mang đến "quả ngọt" trong tương lai. Còn nhớ hồi năm 2001, khi George W. Bush trở thành tổng thống, cựu Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Roh Moo-hyun đã rất muốn trở thành nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên gặp mặt tổng thống mới nước Mỹ. Ông Roh đã có chuyến thăm đến Washington ngay sau khi ông Bush nhậm chức còn chưa được 100 ngày.
Nhưng sau đó, đã không có bất cứ chính sách gần gũi với châu Á nào được cựu Tổng thống Bush thông qua. Lập trường của Bush đã làm lu mờ mối quan hệ Mỹ-Hàn trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Nói về mục đích cuộc gặp lần này, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, ông muốn “xây dựng lòng tin” với nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ, đồng thời khẳng định liên minh Mỹ-Nhật là nền tảng quan trọng trong an ninh và ngoại giao của Tokyo. “Chỉ khi có lòng tin thì liên minh mới tồn tại”, hãng tin Kyodo dẫn lời ông Abe.
Sau cuộc hội đàm kéo dài 90 phút ở Tháp Trump hôm 17/11, dường như hai bên đã bước đầu tháo gỡ những khúc mắc trong mối quan hệ của mình khi ông Shinzo Abe cho biết ông "đặt niềm tin vào Trump", mặc dù không tiết lộ nội dung cuộc trao đổi. Thủ tướng Nhật đã đồng ý gặp lại ông Trump để "đàm phán sâu rộng hơn".
Chuyên gia Yuki Tatsumi từ chương trình nghiên cứu Đông Á tại Trung tâm Stimson, Washington cho rằng, bằng việc sớm có cuộc gặp với tân tổng thống nước Mỹ, ông Abe có thể bắt đầu xây dựng một mối quan hệ cá nhân với Trump.
Sau tất cả, Trump luôn thể hiện rằng ông thích các nhà lãnh đạo mạnh mẽ, và ông có thể nhìn thấy sự mạnh mẽ từ Thủ tướng Abe trong các thỏa thuận hợp tác trong tương lai.
Quốc Vinh