Sáng 15/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội nhằm trao đổi, thống nhất một số nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp rất quan trọng, việc chuẩn bị có nhiều đổi mới
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo về 3 dự án luật: Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian qua đã luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện, phối hợp tốt, chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ trong giải quyết các công việc, nhất là tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, trong 9 tháng qua, chính trị - xã hội đất nước ta ổn định, quốc phòng an ninh được tăng cường, an ninh trật tự được bảo đảm, đối ngoại và hội nhập được đẩy mạnh, nhất là kinh tế đối ngoại đạt nhiều kết quả, thu hút FDI trên 25 tỷ USD và đặc biệt là giải ngân vốn FDI trên 17 tỷ USD.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được thúc đẩy mạnh mẽ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện.
Tuy nhiên, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần tiếp tục nỗ lực, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Ngay sau Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Chính phủ đã bắt tay vào việc chuẩn bị phục vụ Kỳ họp thứ 8, riêng Thủ tướng đã ban hành 15 văn bản phân công, đôn đốc với tinh thần 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
Theo Thủ tướng, tại Kỳ họp thứ 8, công việc rất nặng nề, dự kiến lập kỷ lục mới về khối lượng công việc, trong đó dự kiến Chính phủ sẽ trình 81 hồ sơ, tài liệu, báo cáo, trong đó có 25 dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua.
Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần rất rõ của Hội nghị Trung ương và yêu cầu lãnh đạo chủ chốt là chỉ bàn làm, không bàn lùi, mạnh dạn làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; làm việc nhiều hơn, tích cực hơn, tăng tốc hơn, bứt phá hơn, quyết liệt hơn, trọng tâm, trọng điểm hơn, hiệu quả hơn trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để theo kịp, tiến cùng và vượt lên so với thế giới, khẳng định tầm vóc đất nước, sự lớn mạnh của dân tộc trong bối cảnh tình hình tế giới khó khăn.
Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Trong công tác xây dựng pháp luật, cần chuyển từ tập trung vào mục tiêu quản lý sang mục tiêu vừa quản lý được, vừa mở rộng không gian phát triển, kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, xóa bỏ quan liêu bao cấp, xóa bỏ xin cho, đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính.
Thủ tướng nêu rõ, Kỳ họp thứ 8 rất quan trọng với sự phát triển của đất nước; thể chế hóa, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 và tháo gỡ nhiều vướng mắc mà người dân, doanh nghiệp rất trông đợi. Việc chuẩn bị cho kỳ họp có nhiều đổi mới.
Nhấn mạnh tình hình biến đổi nhanh thì phải phản ứng chính sách, ứng xử kịp thời, Thủ tướng nhất trí cao với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là "vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó, trách nhiệm ở cấp nào thì cấp đó giải quyết".
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức mình trong việc chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các lãnh đạo Chính phủ, các Bộ trưởng phải trực tiếp, tích cực vào cuộc, căn cứ thẩm quyền được giao, phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, chủ động, tích cực trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu, dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời, khách quan, trên cơ sở đó để đưa ra các quyết sách, chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, đi vào thực tế, với tinh thần tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, tất cả vì nhân dân, tất cả vì sự phát triển của đất nước.
Đổi mới quy trình xây dựng pháp luật
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của đất nước và đảm bảo đời sống của nhân dân.
Ngày 17/9, Đảng đoàn Quốc đã họp liên tịch lần 1 với Ban Cán sự đảng Chính phủ để rà soát các nội dung của Kỳ họp và tiếp tục tổ chức Hội nghị này để kiểm điểm các công việc đã chuẩn bị, đang chuẩn bị và sắp chuẩn bị về dự kiến Chương trình Kỳ họp và các nội dung báo cáo Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu thực hiện theo đúng tinh thần, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 10 trong triển khai các nhiệm vụ thời gian tới, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, tạo tiền đề, bứt phá để đất nước ta vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.
Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị để chỉnh lý, hoàn thiện dự kiến chương trình kỳ họp, gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Đánh giá cao các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các cơ quan sẽ báo cáo Quốc hội xem xét tăng thời gian họp nếu cần thiết (có thể vào cuối tuần và thậm chí cả buổi tối như cách làm của Hội nghị Trung ương) để bổ sung vào chương trình Kỳ họp các nội dung được Chính phủ đề nghị nếu đủ điều kiện, tài liệu để trình.
Tinh thần chung là đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.