Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Cùng dự tại lễ kỷ niệm có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Trung ương; nguyên lãnh đạo tỉnh; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh.
Diễn văn kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã ôn lại quá trình từ lúc tái lập tỉnh Bình Thuận, ông cho biết: Trước kia, khi nhắc đến Bình Thuận, ai cũng biết đây là nơi đồng khô, cỏ cháy, nước chờ mong và là một trong những tỉnh nắng gió, khô hạn nhất nước với nhiều vùng đất cằn cỗi, hoang hóa; vào thời điểm giao mùa thì nhiều nơi thiếu cả nước uống.
Xuyên suốt thời gian, qua nhiều nhiệm kỳ, các thế hệ cán bộ lãnh đạo của tỉnh đã rất quyết tâm phát triển thủy lợi, xem đó là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, vừa tranh thủ nguồn hỗ trợ của Trung ương, vừa chắt chiu ngân sách và huy động thêm sức dân để đắp đập, xây hồ, phát triển thủy lợi.
Đến nay, tỉnh Bình Thuận có 78 hệ thống thủy lợi với hàng trăm công trình lớn và nhỏ với tổng dung tích hơn 400 triệu m3; đưa diện tích gieo trồng được tưới chủ động tăng gấp 4 lần. Đặc biệt, với sáng kiến nối mạng thủy lợi, đã đưa được nước về những vùng đất khô cằn, hoang hóa; từ đó vực dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế từng vùng đất trên địa bàn tỉnh.
Với bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm cao, tỉnh đã từng bước biến khó khăn thành lợi thế so sánh, mạnh dạn tìm chọn cho mình một hướng đi phù hợp, từ đó tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác và phát huy ngày càng hiệu quả hơn.
Trước hết là du lịch; nếu năm 1991 du lịch chưa có trong cơ cấu thành phần kinh tế của tỉnh thì đến nay, du lịch Bình Thuận vươn mình phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng bình quân 31,3%/năm, đóng góp vào GRDP của tỉnh trên 9%, đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Từ một tỉnh thuần nông, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh công nghiệp - dịch vụ, trong đó, ngành công nghiệp năng lượng đã có sự phát triển bứt phá, trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 48 nhà máy điện đang hoạt động với các loại hình: thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió, với tổng công suất 6.520 MW; sản lượng điện thiết kế khoảng 31,6 tỷ kWh/năm.
Thời gian tới, các nhà máy điện khí hóa lỏng LNG, điện gió ngoài khơi sẽ được tiếp tục đầu tư; chúng ta tin tưởng, trong tương lai không xa, tỉnh Bình Thuận sẽ trở thành Trung tâm năng lượng lớn của đất nước.
Với sự phát triển đồng đều của các ngành kinh tế dựa trên lợi thế và tiềm năng, kinh tế của tỉnh phát triển khá nhanh, tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh luôn cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước, tạo chuyển biến rõ nét trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế; giá trị tổng sản phẩm nội tỉnh năm 2021 gấp 22 lần năm 1992.
Thu ngân sách nội địa của tỉnh từ 77 tỷ đồng (năm 1992) tăng lên 8.064 tỷ đồng năm 2021, tăng gấp 105 lần và đứng thứ 8/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ. Bộ mặt của Bình Thuận đã có bước đổi mới toàn diện. Đến nay, toàn tỉnh có 14 đô thị, 69/93 xã đạt chuẩn nông thôn và 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người từ 1,35 triệu đồng năm 1992 lên 48,92 triệu đồng năm 2021 (gấp 36,2 lần, tăng bình quân 13,24%/năm), đứng thứ 18 trong cả nước và đứng thứ 2 trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe đến toàn thể đồng bào, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh.
Đồng thời ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và chúc mừng những thành tích đạt được qua 30 năm tái lập tỉnh của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Thuận góp phần thiết thực vào thành tựu chung của cả nước.
Nói đến tỉnh Bình Thuận là nhớ đến vùng đất nên thơ của "biển xanh, cát trắng, nắng vàng"... Điều đặc biệt hơn, nhớ đến Trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ dừng chân dạy học, nhớ đến những người con của Bình Thuận kiên trung một lòng theo Đảng, theo cách mạng...
Phát huy những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Bình Thuận nỗ lực hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, chung sức, đồng lòng, không ngừng đổi mới, phát huy những kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, phấn đấu hoàn thành tốt mọi mục tiêu của năm 2022 và những năm tiếp theo, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý tỉnh Bình Thuận tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận. Phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm và sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân; đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy, đam mê, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ; khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định rằng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn luôn hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh Bình Thuận và Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, các tập đoàn, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tỉnh Bình Thuận phát triển trong tương thời gian tới.