Cụ thể như: Tuyến cao tốc Tp.Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một - Chơn Thành; tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép; tuyến Metro Suối Tiên – thành phố mới Bình Dương - Bàu Bàng; điều chỉnh vị trí quy hoạch ga An Bình và Dĩ An; tuyến Vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương...
Đây là những tuyến đường giao thông quan trọng kết nối tỉnh Bình Dương với các tỉnh trong khu vực, khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giúp Đông Nam bộ phát triển nhanh và bền vững.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương, dự án đường cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) do UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện.
Dự án có tổng chiều dài 69km, từ nút giao Gò Dưa - Tp.Hồ Chí Minh đến Quốc lộ 14 - tỉnh Bình Phước. Trong đó, đoạn qua Tp.Hồ Chí Minh dài 1,65km, đoạn qua Bình Dương dài 60,25km (đã đầu tư 14,5km với quy mô 6-8 làn xe) và đoạn qua Bình Phước dài 7km (chưa đầu tư).
Với tuyến Vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương, dự án đường vành đai 3, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022.
Chính phủ đã có nghị quyết xác định rõ tiến độ triển khai các nội dung công việc. Theo đó, phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023; 30/6/2026 hoàn thành.
Tỉnh Bình Dương hiện có 2 dự án thành phần: Dự án thành phần đầu tư xây dựng dài 11,43km, tổng mức đầu tư khoảng 5.752 tỷ đồng. Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có tổng mức đầu tư khoảng 13.528 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng nghe báo cáo về tuyến đường Hồ Chí Minh và Khu công nghiệp Bàu Bàng; tuyến đường Vành đai 4 Tp.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương.