Đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc để kết nối vùng
Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi kiểm tra khảo sát tiến độ thực hiện Dự án công trình đường cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Tại buổi kiểm tra khảo sát, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là tuyến đường rất huyết mạch, có ý nghĩa chiến lược, kết nối giữa Tây Nguyên, Đông Nam bộ, sân bay Long Thành và hàng loạt tuyến cao tốc, cảng biển…
Thủ tướng yêu cầu 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước phải phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau để đẩy nhanh tiến độ dự án. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Phước chỉ có 7km theo hình thức đầu tư công cần khẩn trương triển khai, hoàn thành sớm.
Trong quá trình làm dự án, nhà thầu chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương làm nhà thầu phụ để vừa thi công nhanh dự án, vừa tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, vừa giúp các doanh nghiệp địa phương trưởng thành để làm các dự án lớn khác.
Thủ tướng cũng yêu cầu bố trí các nút giao trên tuyến cao tốc phù hợp, khẩn trương quy hoạch để khai thác tốt nhất không gian phát triển mới từ tuyến cao tốc, phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị thế hệ mới với các yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp.
Ngoài ra, lưu ý các nút giao cần xây dựng khác mức, với không gian xanh, sạch, đẹp; các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu thêm việc kết nối tới Tây Ninh để Tây Ninh có đường ra cảng biển, sân bay ngắn nhất có thể.
Cao tốc là dự án trọng điểm trong quy hoạch kết nối giao thương
Liên quan đến công trình dự án đường cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đây là một trong những công trình trọng điểm tại khu vực vùng Đông Nam bộ, kết nối từ Tp.HCM đi qua Bình Dương và đến Bình Phước. Tuyến đường còn kết nối xuống các tuyến đường đi các tỉnh Tây Nguyên.
Theo báo cáo của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex (Becamex IDC), dự án có điểm đầu giao với đường Vành đai 3 Tp.HCM trên địa bàn Tp.Thuận An (tỉnh Bình Dương); điểm cuối tại Km52 +159 (ranh giới giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước). Đi qua các khu vực tại Bình Dương như Tp.Thuận An, Tp.Tân Uyên, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên.
Tổng chiều dài dự án khoảng 52,159km, trong đó đoạn được giữ nguyên theo hiện trạng dài 6,5 km (từ Vành đai 3 Tp.HCM đến trước nút giao Khánh Vân); đoạn đầu tư xây dựng mới dài 45,659 km (từ Km6+500 đến Km52 +159).
Becamex IDC cho biết, dự án có quy mô đường cao tốc 4 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp liên tục toàn tuyến, bề rộng nền đường 25, m, vận tốc thiết kế 100 km/h (riêng đoạn đầu tuyến dài 6,5 km từ Vành đai 3 đến trước nút giao Khánh Vân sẽ giữ nguyên quy mô mặt cắt đường hiện trạng); các đoạn có nhu cầu giao thông lớn đầu tư đường gom đảm bảo 2 làn xe cơ giới.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án khoảng hơn 17.408,39 tỷ đồng (bao gồm lãi vay). Sơ bộ phương án tài chính của dự án gồm vốn tham gia của Nhà nước hơn 8.500 tỷ đồng.
Becamex IDC dự kiến đảm nhiệm các hạng mục bao gồm: toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chi phí xây dựng khoảng 246 tỷ đồng. Vốn huy động từ Nhà đầu tư hơn 8.800 tỷ đồng; trong đó 70% vốn vay ngân hàng, 30% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.
Dự án xây dựng đồng bộ các công trình phục vụ khai thác, trung tâm điều hành, hệ thống giao thông thông minh, trạm thu phí... bảo đảm phát huy hiệu quả theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Mức thu phí khởi điểm đối với xe nhóm 1 là 1.468 đồng/km; xe nhóm 2 là 1.908 đồng/km; xe nhóm 3 là 2.495 đồng/km; xe nhóm 4 là 3.963 đồng/km; xe nhóm 5 là 5.577 đồng/km. Lộ trình tăng giá vé sẽ căn cứ điều kiện thực tế, quy định tại thời điểm để tính toán trình HĐND tỉnh Bình Dương xem xét cụ thể.
Liên quan đến dự án trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ông Võ Văn Minh đã ký Quyết định phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Dương theo phương thức PPP có thời gian thu phí, hoàn vốn là 32 năm 7 tháng (thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 - 2027)
Tại Quyết định số 2115/QĐ-UBND tỉnh Bình Dương quyết định lựa chọn hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho dự án là đấu thầu rộng rãi trong nước. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhà đầu tư đề xuất dự án triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.
Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là trục cao tốc Bắc - Nam của tỉnh Bình Dương, Bình Phước (trục xuyên tâm cắt qua Vành đai 4, Vành đai 3, dẫn đến đường Vành đai 2 Tp.HCM), nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Khi tuyến đường cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được hoàn thiện và hoạt động, sẽ mang lại ý nghĩa lớn trong giao thông của các tỉnh thành này. Không chỉ tiết kiệm được thời gian di chuyển, giảm chi phí vận chuyển mà còn giúp sự di chuyển của dân cư được an toàn hơn.
Tuyến giao thông huyết mạch này, cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp trong công tác kết nối vùng, đưa nền kinh tế của các tỉnh thành đi lên. Đặc biệt, khi tuyến cao tốc đi vào hoạt động, vệ tinh xung quanh sẽ là các khu công nghiệp dịch vụ, đô thị với mục tiêu phát triển kinh tế chung, đảm bảo lợi ích an sinh xã hội.