Thủ tướng Singapore nói về triển vọng Trung Quốc gia nhập CPTPP

Thủ tướng Singapore nói về triển vọng Trung Quốc gia nhập CPTPP

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 3, 18/10/2022 17:34

Singapore, nước chủ trì CPTPP năm nay, ủng hộ đơn xin gia nhập của Trung Quốc và hiểu rõ lập trường của Australia về vấn đề này.

Thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long) hôm 18/10 cho biết, vẫn chưa có sự đồng thuận nào về việc Trung Quốc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mặc dù Singapore tin rằng Bắc Kinh có thể đáp ứng các điều kiện của khối thương mại.

CPTPP (còn được gọi là TPP-11) cho phép xóa bỏ 95% thuế quan giữa 11 thành viên, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Kể từ khi CPTPP được ký kết vào năm 2018, đã có thêm 5 ứng viên đăng ký tham gia khuôn khổ thương mại này, bao gồm Anh, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ecuador và Costa Rica.

Thế giới - Thủ tướng Singapore nói về triển vọng Trung Quốc gia nhập CPTPP

Lễ ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chile năm 2018. Ảnh: The Diplomat 

Hồi tháng 2, các thành viên CPTPP đã nhất trí rằng Anh có thể xúc tiến đơn xin gia nhập. London đang tìm kiếm các mối quan hệ thương mại mới sau khi rời Liên minh châu Âu (Brexit).

Khi xét đến trường hợp của Trung Quốc, Australia vẫn giữ lập trường thận trọng về việc Trung Quốc gia nhập TPP-11. Canberra vẫn chưa mở cuộc đàm phán nào với Bắc Kinh về đơn xin gia nhập của họ.

Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Australia nảy sinh kể từ khi Canberra thúc đẩy một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của coronavirus hồi tháng 4/2020.

Kể từ đó, thương mại song phương đã bị gián đoạn, với việc Trung Quốc áp đặt một loạt lệnh cấm không chính thức đối với các sản phẩm của Australia bao gồm than đá, tôm hùm và gỗ tròn, cũng như áp thuế chống bán phá giá đối với rượu vang và lúa mạch của Australia, khiến các sản phẩm này không có khả năng cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc.

Mặc dù căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh đã giảm bớt sau khi Đảng Lao động Australia chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 năm nay và ông Anthony Albanese lên làm Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Australia Don Farrell vẫn mắc kẹt với cách tiếp cận của chính phủ tiền nhiệm dưới thời ông Scott Morrison rằng Trung Quốc cần bỏ các lệnh trừng phạt thương mại.

“Để tham gia CPTPP, các nền kinh tế ứng cử viên cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn và quy tắc cao của CPTPP, đồng thời có thành tích chứng minh về việc tuân thủ các cam kết thương mại. Khi nói đến thương mại, hành động quan trọng hơn lời nói”, ông Farrell cho biết.

Thế giới - Thủ tướng Singapore nói về triển vọng Trung Quốc gia nhập CPTPP (Hình 2).

Thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long) gặp người đồng cấp Australia Anthony Albanese tại Canberra trong cuộc hội đàm thường niên, ngày 18/10/2022. Ảnh: ABC.net.au

Trong chuyến thăm tới Canberra (16-18/10), Thủ tướng Lee nói với các phóng viên rằng Singapore, nước chủ trì CPTPP năm nay, hiểu rõ lập trường của Australia.

“Tôi nghĩ sẽ tốt nếu Trung Quốc có thể tham gia CPTPP”, ông Lee nói, và cho biết thêm rằng có thể thông qua các cuộc đàm phán để Bắc Kinh đáp ứng đầy đủ các điều kiện của hiệp ước.

“Để Trung Quốc tham gia CPTPP, cần phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên hiện tại... Nhưng tôi cho rằng vẫn chưa có sự đồng thuận như vậy”.

Được ký kết vào năm 2018, CPTPP trước đó được biết đến với tên gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và được coi là đối trọng kinh tế quan trọng đối với ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc.

TPP là trọng tâm trong nỗ lực xoay trục chiến lược của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama sang châu Á, nhưng người kế nhiệm của ông, Donald Trump, đã để Mỹ rút khỏi hiệp ước vào năm 2017.

Minh Đức (Theo Reuters, Financial Review)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.