Bà Yingluck đề xuất kế hoạch cải cách sau bầu cử
Ngày 21/12, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra đã đề xuất một kế hoạch mang tính thăm dò nhằm cải cách đất nước trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp diễn.
Phát biểu trên truyền hình, bà Yingluck cho biết chính phủ sẽ đề nghị các đảng phái chính trị nhất trí thành lập một hội đồng cải cách sau cuộc bầu cử vào ngày 2/2/2014.
Bà Yingluck nhấn mạnh hội đồng cải cách sẽ bao gồm các đại diện từ tất cả các tầng lớp trong xã hội, trong đó có cả giới hàn lâm, các đảng phái và nhóm chính trị.
Nữ Thủ tướng xinh đẹp đã giành thế áp đảo trong khi thủ lĩnh phe đối lập đang bị đẩy vào bước đường cùng. |
Thủ tướng Yingluck lưu ý: “Chính phủ mới phải thành lập hội đồng cải cách như là một nghị trình của quốc gia. Chính phủ đảm bảo rằng cải cách có thể tiến hành cùng với cuộc bầu cử. Cần phải có một cuộc bầu cử bởi cơ chế nghị viện sẽ điều hành tiến trình cải cách”.
Bà Yingluck cho biết thêm, ủy ban này sẽ có 2 năm để hoàn thành kế hoạch cải cách.
Trước đó, Chủ tịch đảng Vì nước Thái Charupong Ruangsuwan đã đưa ra gợi ý về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trong trường hợp cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào đầu tháng Hai năm tới không thể diễn ra.
Ông này nói rằng nếu đảng Dân chủ tẩy chay bầu cử thì cần phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc để giúp cử tri có thể tìm ra lối thoát cho những bế tắc chính trị.
Tuy nhiên, ông Charupong vẫn kêu gọi đảng Dân chủ tham gia cuộc bầu cử và trao quyền quyết định tương lại chính trị cho các cử tri.
Phe đối lập bị đẩy vào bước đường cùng
Trong khi đó, truyền thông Thái Lan ngày 19/12 đưa tin Cục Điều tra các vụ án đặc biệt nước này quyết định đóng băng tài khoản ngân hàng của 18 thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ trong đó có cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, đồng thời gửi trát tới những người này với cáo buộc phạm tội kích động bạo loạn.
Biểu tình phản đối Chính phủ tiếp diễn tại Bangkok |
Ngoài ra, 2 tài khoản ngân hàng do Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) lập ra để nhận tiền quyên góp cũng bị phong tỏa. Các nhà điều tra sẽ thông qua 2 tài khoản này điều tra nguồn hỗ trợ tài chính cho các cuộc biểu tình chống chính phủ trong 6 tháng qua.
Ban điều tra đặc biệt Thái Lan (DSI) cũng sẽ triệu tập 17 nhà lãnh đạo biểu tình chống chính phủ để thông báo các biện pháp trừng phạt cho hành vi gây bạo loạn vào ngày 26/12 và 27/12.
Giám đốc DSI Tarit Pengdit khuyến cáo những người ủng hộ biểu tình dừng cung cấp tài chính hoặc các hình thức hỗ trợ khác cho biểu tình, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của pháp luật.
Trong khi nữ Thủ tướng Thái đang ở trong thế áp đảo, thủ lĩnh phe đối lập gặp nhiều bất lợi thì quân đội, lực lượng vốn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đảo chính tiếp tục tỏ ra trung lập.
Đài Tiếng nói nước Nga đưa tin, ngày 21/12, Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha đã cảnh báo rằng nếu cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào tháng 2/2014 diễn ra trong tình hình khủng hoảng chính trị như hiện tại, thì nước này sẽ có nguy cơ xảy ra nội chiến.
Tướng Prayuth Chan-ocha kêu gọi chính phủ và phe đối lập hãy ngồi vào bàn đàm phán và đi đến một thỏa hiệp, sau đó mới tổ chức bầu cử.
Hà Anh
(Tổng hợp/Đất Việt)