Vì sao tư lệnh các ngành đang xảy ra nhiều vấn đề được dư luận quan tâm không có mặt trong danh sách chất vấn lần này thưa ông?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội |
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Đoàn thư ký kỳ họp đã đưa ra danh sách các bộ trưởng để xin ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về thành viên Chính phủ trả lời chất vấn dựa trên 3 nguyên tắc: Cơ sở phiếu xin ý kiến các ĐBQH; kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp về các vấn đề bức xúc, cử tri quan tâm; ưu tiên các bộ trưởng từ đầu nhiệm kỳ đến giờ chưa có dịp trả lời chất vấn tại QH.
Qua tổng hợp ý kiến ĐBQH, đoàn thư ký báo cáo với Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH và đến nay đã chọn 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn gồm: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án TAND Tối cao. Đây cũng là 4 đại diện đầy đủ cho các khối kinh tế, xã hội và tư pháp.
Vừa qua, dư luận rất bức xúc trước hàng loạt vấn đề tiêu cực xảy ra ở ngành y. Vì sao đoàn thư ký không đưa Bộ trưởng Y tế vào danh sách chất vấn kỳ này?
Khi đưa ra danh sách các vị bộ trưởng, trưởng ngành để xin ý kiến thì phải dựa vào câu hỏi chất vấn. Bộ trưởng Y tế không nhận được nhiều câu hỏi, chỉ xếp vị trí thứ 7-8 nên không đưa vào danh sách.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Vì sao phiếu xin ý kiến không có mục để ĐBQH đề nghị danh sách bộ trưởng khác trả lời chất vấn, thưa ông?
Nhiều ĐBQH đã đề nghị thêm danh sách đưa vào chất vấn như Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Xây dựng… nhưng các bộ trưởng này chỉ nhận được từ 2-4 phiếu đề nghị trong khi các vị kia đều trên 80% ý kiến phản hồi đề nghị.
Việc chọn Chánh án TAND Tối cao để chất vấn lần này phải chăng do những vụ xét xử oan sai vừa qua, nhất là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang?
Có lẽ các ĐBQH sẽ tập trung hỏi về nội dung đó nhưng chất vấn chánh án không chỉ riêng về việc oan sai mà còn đề cập đến các vấn đề khác nữa.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (thứ hai từ phải sang) không có trong danh sách trả lời chất vấn kỳ này - Ảnh: Hoàng Bắc.
Ông cho biết cách thức chất vấn lần này có gì khác với trước?
Kỳ họp QH lần này có đổi mới là thời gian chất vấn từ 2 ngày rưỡi lên 3 ngày (từ 19 đến ngày 21/11), trong đó có 1 buổi phó thủ tướng thay mặt Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của QH về chất vấn tại kỳ họp 3, 4, 5, sau đó các ĐBQH sẽ thảo luận ở hội trường.
Còn lại, theo thông lệ, kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ có báo cáo những ý kiến tập hợp được qua các vị bộ trưởng trả lời. Thủ tướng sẽ phát biểu và sau đó sẽ trả lời các vị ĐBQH nếu như có chất vấn thêm. Nội dung chất vấn Thủ tướng cũng rất rộng, nhiều vấn đề, trong đó tập trung nhiều vào lĩnh vực kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Nên làm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Ngày 14/11, QH đã bỏ phiếu về việc phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Nguyễn Văn Nên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Kết quả, 362/466 ĐBQH đồng ý, đạt tỉ lệ 72,69%; 104 ĐB không đồng ý, chiếm 20,29%. Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Nên đạt 85,94% ĐB tán thành. Như vậy, ông Nguyễn Văn Nên chính thức trở thành Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thay ông Vũ Đức Đam vừa được QH phê chuẩn bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng. |
Đề nghị bầu bổ sung nhiều nhân sự QH Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng ngày 14/11 cho biết tại kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII, QH đã nhất trí thông qua số lượng UBTVQH là 18 nhưng mới bầu được 17, khuyết vị trí trưởng Ban Dân nguyện. QH cũng thông qua cơ cấu số lượng phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật là 5 nhưng mới bầu được 4 vị. Do vậy đề nghị QH cho bầu bổ sung. Ngoài ra, UBTVQH cũng đề nghị QH cho bầu bổ sung 1 phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc; 1 phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; 1 phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội và 1 phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại. Ngày 15/11, QH bỏ phiếu thông qua nội dung đề nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng giới thiệu cụ thể các nhân sự để QH xem xét. Việc bỏ phiếu bầu sẽ tiến hành vào sáng 16/11. |
Theo Người lao động