Nỗi ám ảnh mang tên "du lịch cắt cổ"
Đây được coi là đòn đau "đánh" thẳng vào nạn "chặt chém" đang "hành" du khách hiện nay.
Theo ngành du lịch, từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng giảm. Nguyên nhân chính là do kinh tế toàn cầu suy giảm nhưng hiện tượng lừa đảo, gian lận, ép giá, chèo kéo, trộm cắp tài sản, chưa được các địa phương kiểm soát tốt cũng khiến khách du lịch nản lòng.
Trong mắt nhiều du khách, nạn "chặt chém" vẫn là nỗi ám ảnh thường trực mỗi khi xách balo lên đường du lịch. Từ Nam chí Bắc, không khó để "điểm mặt chỉ tên" những "địa chỉ vàng" về nạn chặt chém. Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cát Bà, Cửa Lò… luôn được nhắc đi nhắc lại khi bước vào mùa du lịch. Thậm chí thủ đô Hà Nội cũng bị mang tiếng về hiện tượng này. Dù các địa phương đã nỗ lực hết mình nhưng câu nói "du lịch kiểu cắt cổ" đã trở thành cửa miệng đầy chua chát của du khách mỗi khi đặt chân đến một số nơi..
Không hiểu có phải do "té nước theo mưa", ăn theo giá cả leo thang hay không mà thời gian gần đây, tại hầu khắp các điểm du lịch giá các dịch vụ đều tăng theo. Rất nhiều du khách đã bức xúc "tố" với PV về cách hành xử kiểu "cắt cổ" tại những địa bàn này. Trong lần làm việc tại công an một quận trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi đã được nghe chính những cán bộ tại đây kể cho nghe về "kỷ niệm" bị chặt chém tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). "Lần đó, mấy anh em rủ nhau ra bãi biển ngồi nhậu, chỉ gọi vài chai bia và hai đĩa mực. Sau chầu nhậu chẳng lấy gì làm hoành tráng, chúng tôi phải móc hầu bao gần triệu đồng để thanh toán. Nhìn hóa đơn, tôi giật mình vì chủ quán tính 200 nghìn đồng một con mực khô xé chỉ loại nhỏ, trong khi mực bán chỉ từ 600 - 800 nghìn đồng/kg. Một chai bia Hà Nội cũng bị "chém đẹp" với giá 20 nghìn đồng", vị này kể lại.
Cũng theo phản ánh, tại bãi biển Cửa Lò (Nghệ An), không ít du khách đã phải trả hàng trăm ngàn đồng cho một quả dừa, trong khi giá thông thường chỉ từ 15 - 20 nghìn đồng. Thậm chí phải trả từ 40 -50 nghìn đồng cho một cốc trà đá, cao gấp 10 lần so với giá thông thường. Một lon nước ngọt bị "chém" đến 80 nghìn đồng. Bức xúc trước hành động "cắt cổ" của chủ quán, khách hàng nổi cáu nhưng ngay lập tức nhận được câu trả lời cụt lủn: "Đắt sao còn uống!", cùng cái nguýt dài thườn thượt.
Những hành vi đeo bám, chặt chém khách du lịch sẽ bị xử lý. (Ảnh minh họa)
Trò chuyện với PV Người Đưa Tin, anh Nguyễn Minh Tuân, Giám đốc công ty UVIP Việt kể lại hành trình du lịch bị "chém" của mình tại Cát Bà (Hải Phòng). "Cách đây ít tuần, gia đình tôi chọn nghỉ ngơi tại đảo Cát Bà. Trước khi đặt chân đến nơi, cả nhà đã phòng bị trước, đi thật sớm để chọn được phòng nếu không muốn bị ngủ tại "khách sạn ngàn sao". Thế nhưng "người tính không bằng trời tính", giá phòng ngày cuối tuần bị đẩy lên 1,2 triệu đồng/phòng, trong khi giá ngày thường chỉ khoảng 400 nghìn đồng (tăng 300%). Không những thế, giá các loại đồ ăn cũng tăng gấp rưỡi so với ngày thường khiến cả nhà vừa ăn vừa xót".
Thẳng tay với "chặt chém"
Lắp camera tại những điểm du lịch phức tạp Bên cạnh việc công khai các điểm "chặt chém", người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị lắp camera tại những điểm du lịch thường xảy ra tình trạng cướp giật, bán hàng rong, ăn xin, tranh giành khách. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm để đưa hoạt động này vào khuôn khổ. Cùng với đó, các địa phương cần rà soát, sắp xếp và quy hoạch lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Riêng đối với những địa bàn du lịch có lượng khách trên một triệu lượt khách/ một năm phải thành lập trung tâm hỗ trợ du khách, thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận thông tin và phản hồi của khách du lịch… |
Nhiều công ty lữ hành, du khách, kể cả du khách nước ngoài đều phàn nàn về nạn "chặt chém" tại các điểm du lịch, kể cả các điểm nổi tiếng. Dù cơ quan chức năng đã nỗ lực hết mình nhưng dường như mọi thứ vẫn "chứng nào tật ấy". Tự tăng giá, bắt chẹt khi đông khách, sẵn sàng phá bỏ cam kết vì hám lợi trước mắt… là điệp khúc buồn đã và đang khiến du lịch Việt mất điểm trong mắt du khách quốc tế.
Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, việc công khai các điểm du lịch làm ăn "bầy hầy" là vô cùng cần thiết. Hơn lúc nào hết, những du khách có quyền được biết, được loại khỏi "menu" những địa điểm làm ăn chụp giật và "chọn mặt gửi vàng" vào những điểm uy tín. Lý giải cho điều này, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nạn "chặt chém" khách du lịch đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều du khách nước ngoài. Thậm chí, tại nhiều hội chợ du lịch quốc tế, không ít đơn vị lữ hành nước ngoài đã phải cảnh báo đến du khách khi đi du lịch tại TP.HCM và Hà Nội. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh chung của ngành du lịch Việt Nam. Do đó, việc công khai các điểm du lịch làm ăn chụp giật là rất cần thiết.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam đặt câu hỏi: "Tại sao có những địa phương làm tốt và có những địa phương thực hiện không hiệu quả?". Vị này lý giải, đó là do nhận thức của người dân địa phương và thái độ của chính quyền sở tại với sự việc. "Theo tôi, để khuyến khích địa phương làm du lịch tốt, ngành du lịch cần khen thưởng địa phương đảm bảo an ninh, an toàn cho khách. Đối với những trường hợp chưa làm tốt cần phê bình thẳng thắn", ông Bình kiến nghị.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Kiều Cao Dũng, Phó giám đốc Công ty Thái Việt Smile tâm sự: "Lần nào đưa khách Thái Lan vào Việt Nam du lịch, tôi đều phải làm một việc bất đắc dĩ là nhắc nhở khách của mình về tình trạng chèo kéo, lừa gạt, thậm chí cướp giật tại những điểm du lịch". Theo lời ông Dũng, những đơn vị kinh doanh du lịch chuyên nghiệp rất bức xúc về tình trạng chặt chém hiện nay. Hiện tượng này vô hình trung làm ảnh hưởng xấu tới ngành du lịch. Không ít các doanh nghiệp lữ hành bắt đầu tỏ ra "ngán ngẩm" mỗi khi có khách hàng phản ánh về tình trạng "bầy hầy" tại các điểm đến. "Nỗi lo khách du lịch quốc tế một đi không trở lại đang là mối đe dọa cho sự phát triển của ngành công nghiệp không khói. Theo tôi, bên cạnh việc công khai các điểm du lịch không đáng tin, các địa phương cần xử lý thật nghiêm, sẵn sàng rút giấy phép của những đơn vị làm ăn chụp giật", ông Dũng nhấn mạnh.
Anh Văn