Chiều 30/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Tại buổi làm việc, GS.NGND Phan Huy Lê nêu vấn đề: Môn sử giữ vai trò quan trọng trong giáo dục phổ thông, nhưng chất lượng giáo dục môn sử đang gây lo âu trong dư luận xã hội. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có nhiều kiến nghị cụ thể và đã từng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo quốc gia để lấy ý kiến của đông đảo cán bộ trong ngành.
“Trong đó, có một đề xuất là sớm đưa kiến thức về Biển đông và chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa bổ sung vào sách giáo khoa. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và đào tạo sớm xem xét đề xuất này”, GS.NGND Phan Huy Lê nói.
Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn trả lời: “Tôi rất đồng tình với đề xuất của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Việc đưa Hoàng Sa - Trường Sa vào sách giáo khoa cần cân nhắc, tính toán về mức độ phù hợp với từng cấp học, nhưng chắc chắn là không được chập chờn. Hiện trong chương trình giảng dạy ở các cấp học đã có nội dung này, nhưng chưa đủ, chưa nhất quán, chưa cụ thể. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao thống nhất về cấp học, mức độ để đưa rõ vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa khi tiến hành chương trình đổi mới xây dựng sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015. Hướng là bổ sung những nội dung nghiên cứu đã rõ ràng vào sách giáo khoa”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
GS.NGND Phan Huy Lê cũng cho biết thêm, Hội đã kiến nghị lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ đạo việc biên soạn bộ “Lịch sử Việt Nam” – cũng được gọi là bộ Quốc sử đồ sộ, khoảng 25 tập. “Bộ sách này xứng đáng là bộ quốc sử của thời đại Hồ Chí Minh, phản ảnh kết quả nghiên cứu tổng hợp của giới sử học cả nước và tập hợp được trí tuệ, kết quả nghiên cứu của các chuyên gia cả nước tham gia biên soạn chứ không riêng một cơ quan này”.
“Quốc sử Việt Nam” thời đại Hồ Chí Minh
Thủ tướng ủng hộ kiến nghị trên và cho rằng, rất cần thiết phải sớm có một bộ sử chính thống để làm tiêu chuẩn đối chiếu trong hoạt động nghiên cứu lịch sử nói chung. Đề nghị này hiện đã được giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai.
Cũng trong buổi làm việc, đại diện Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng lên tiếng về hiện trạng phong trào viết sử nghiệp dư đang như “trăm hoa đua nở”. Phong trào viết sử nghiệp dư phát triển rộng khắp, từ sử ngành nghề, sử địa phương đến sử các dòng họ đến sử các đơn vị.
Do là những người viết sử nghiệp dư, thiếu hiểu biết về kiến thức và phương pháp sử học nên đã phạm nhiều sai lầm về xử lý tư liệu dẫn đến sai sót.
“Một tình trạng phổ biến là lẫn lộn giữa huyền thoại, truyền thuyết với lịch sử đi đến những quan niệm làm rối loạn lịch sử”, GS. NGND Phan Huy Lê nói.
Thủ tướng đánh giá cao những kết quả thiết thực mà Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đạt được trong thời gian qua, nhất là hoạt động nghiên cứu lịch sử, giám định, tư vấn, phản biện, xuất bản, hội thảo, tuyên truyền phổ biến các kiến thức lịch sử...
Thủ tướng mong muốn Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tiếp tục thực hiện chức năng nhiệm vụ hàng đầu là tập hợp giới sử học cả nước, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu sử học và cơ quan chức năng, góp phần xây dựng và phát triển nền sử học Việt Nam; chủ động hơn nữa trong hoạt động tư vấn, phản biện, giám định…
Theo Dân trí