Ngày 13/11, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 8868/VPCP-QHĐP thực hiện Thông báo kết luận của UBTVQH về Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 9/2023.
Theo đó, nhằm triển khai thực hiện Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Công văn 654/BC-UBTVQH15 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo đối với các Bộ thực hiện một số nhiệm vụ, đơn cử như sau:
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp để hạn chế tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, tự ý cắt giảm lao động, người lao động đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để người lao động đã giải quyết chế độ bảo hiểm một lần quay trở lại đóng bảo hiểm xã hội; nghiên cứu, bổ sung quy định về trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động để hạn chế việc trục lợi hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện Nghị định 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để hoạt động từ thiện thực hiện đảm bảo đúng hướng, hiệu lực, hiệu quả.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu có giải pháp quyết liệt để khắc phục tình trạng lộ thông tin cá nhân, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm không đúng sự thật; cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen; giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan có liên quan tích cực đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo hành, bắt cóc trẻ em để tống tiền và kịp thời xử lý, giải quyết vụ việc ngay từ khi phát hiện.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương triển khai nghiên cứu và trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2019/NĐ-CP quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đảm bảo đúng tiến độ (tháng 12/2023), phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của nhiệm vụ thực thi Công ước CITES; tăng cường công tác phối hợp với Ban thư ký CITES quốc tế và các Bộ, cơ quan liên quan để thực thi nghiêm pháp luật và Công ước CITES mà Việt Nam đã tham gia.
2 phương án rút BHXH một lần theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi
Để giảm tình trạng rút BHXH một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật BHXH đề xuất 2 phương án rút BHXH một lần như sau:
Phương án 1: Quy định việc rút BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau:
Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Tuệ Minh