"Việt Nam đã có những bước đi rõ ràng và tích cực nhằm đưa Công ước La Hay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác nuôi con nuôi quốc tế vào thực hiện tại Việt Nam." (Ảnh: moj.gov.vn) |
Nhiều địa phương chậm giải quyết việc nuôi con nuôi
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhận định, trong những năm qua, pháp luật về nuôi con nuôi của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện. Luật Nuôi con nuôi đã được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010. Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Công ước Lahay số 33 ngày 29 tháng 5 năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Công ước Lahay trong giai đoạn 2012-2015 tại Quyết định số 1233/QĐ-TTg ngày 7/9/2012.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước Lahay còn một số hạn chế. Việc đăng ký nuôi con nuôi chưa được chú trọng, còn hiện tượng chưa nghiêm túc trong việc tuân thủ trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Một số địa phương còn chậm giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của trẻ em cần tìm gia đình thay thế.
Trong hai năm 2011 và 2012, Cục Con nuôi đã phối hợp với các cơ quan địa phương và các Tổ chức con nuôi nước ngoài tìm mái ấm gia đình cho 161 trẻ em thuộc diện Danh sách 2 (là những trẻ em khuyết tật, tàn tật và mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP). Chương trình hỗ trợ tìm gia đình thay thế cho trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt đã tạo sức đột phá trong công tác giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Năm 2012, số lượng trẻ em có nhu cầu đặc biệt được giải quyết gấp 4 lần so với năm 2011, song so với số lượng trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt hiện đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em trên bốn địa bàn thí điểm, số lượng này chỉ chiếm một phần rất nhỏ. |
Chính phủ nhận định, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do nhận thức còn hạn chế của một số cán bộ làm công tác giải quyết việc nuôi con nuôi và người dân về quy định pháp luật về nuôi con nuôi và Công ước Lahay.
Ở nhiều địa phương, cán bộ làm công tác giải quyết việc nuôi con nuôi chưa có sự chuyển biến trong thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi, chưa kịp thời hướng dẫn thực hiện quy định về tách bạch giữa việc hỗ trợ nhân đạo với việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài. Nhiều cơ sở nuôi dưỡng trẻ em còn chậm trễ trong việc lập danh sách trẻ em sống tại cơ sở nuôi dưỡng cần có gia đình thay thế, lập hồ sơ của trẻ em sống tại cơ sở nuôi dưỡng được giới thiệu làm con nuôi.
Để khắc phục các hạn chế trên, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về nuôi con nuôi, góp phần bảo đảm thực thi Công ước Lahay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về nuôi con nuôi và Công ước Lahay.
Nhiều việc cần làm ngay
Ngay trong năm 2013, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ chủ trì cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch về cơ chế phối hợp trong việc theo dõi tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi người nước ngoài và bảo vệ trẻ em trong các tình huống cần thiết.
Xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn tìm gia đình thay thế cho trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo; Quy chế mẫu về phối hợp liên ngành giữa các cơ quan ở địa phương về nuôi con nuôi quốc tế; Sổ tay hướng dẫn thực hiện Công ước Lahay tại Việt Nam để tổ chức thực hiện. Bộ Tư pháp cũng có nhiệm vụ rà soát các Hiệp định hợp tác song phương về nuôi con nuôi của Việt Nam và các nước, đề xuất việc tiếp tục thi hành hoặc chấm dứt các Hiệp định trong bối cảnh Việt Nam và các nước ký kết Hiệp định đều là thành viên của Công ước La hay.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tư pháp ngay trong năm nay phải tăng cường chỉ đạo công tác giải quyết việc nuôi con nuôi tại một số tỉnh, thành phố có nhiều trẻ em cần có gia đình thay thế, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi, góp phần thực hiện có hiệu quả Công ước Lahay tại Việt Nam; chỉ đạo thực hiện đúng quy trình về việc thông báo tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em cần có gia đình thay thế; đẩy mạnh thực hiện các quy định của pháp luật về sự tách bạch giữa việc hỗ trợ nhân đạo cho nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Việt Nam với việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài.
Một nhiệm vụ nữa cũng cần được Bộ Tư pháp khẩn trương thực hiện là xây dựng cơ sở dữ liệu về nuôi con nuôi phục vụ công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi và yêu cầu của việc thực hiện Công ước Lahay; đồng thời tăng cường kiểm tra, hướng dẫn kịp thời việc thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi và Công ước Lahay; chỉ đạo việc xử lý theo quy định pháp luật đối với các hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục.
Cần sự chung sức của các Bộ, ngành, địa phương
Cùng với Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng hỗ trợ nhân đạo để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chỉ đạo cơ sở nuôi dưỡng trẻ em lập danh sách trẻ em sống tại cơ sở nuôi dưỡng cần có gia đình thay thế, lập hồ sơ của trẻ em sống tại cơ sở nuôi dưỡng được giới thiệu làm con nuôi; đồng thời chú trọng đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội tại các địa phương, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em và hỗ trợ việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương.
Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi được giới thiệu làm con nuôi theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao hướng dẫn Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc đăng ký nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi; chỉ đạo Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi người nước ngoài đang sinh sống ở nước ngoài trong các trường hợp khẩn cấp.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nuôi con nuôi tại địa phương; trang bị máy móc, thiết bị và cập nhật dữ liệu về nuôi con nuôi để phục vụ công tác giải quyết việc nuôi con nuôi…/.
Số liệu thống kê của Bộ Tư pháp cho biết, trong năm 2012, cả nước đã giải quyết được 2.362 trường hợp cho, nhận con nuôi trong nước và 214 trường hợp cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài. Những vấn đề tồn đọng liên quan đến các hiệp định song phương, đa phương đã ký kết với nước ngoài trong lĩnh vực nuôi con nuôi trước đây cũng được tập trung giải quyết dứt điểm. Bộ Tư pháp đã tăng cường hợp tác, ký kết các hiệp định hợp tác song phương, biên bản ghi nhớ với một số quốc gia nhằm xây dựng cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em khi được giải quyết làm con nuôi người nước ngoài. Đặc biệt, Chương trình thí điểm tìm mái ấm gia đình thay thế ở nước ngoài cho những trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được triển khai bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng nhận định, việc triển khai quy định của Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay còn chậm (như vấn đề đăng ký con nuôi thực tế, hợp tác với các nước là thành viên Công ước La Hay về nuôi con nuôi). Tại một số tỉnh vẫn tồn tại hiện tượng nhà chùa đăng ký con nuôi như Cà Mau, Hưng Yên, Sóc Trăng… hoặc lạm dụng chính sách con nuôi để hưởng lợi như ở Quảng Nam. |
Đánh giá về một trong những khó khăn trong quá trình triển khai Luật Nuôi con nuôi, Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp cho biết, việc triển khai Luật Nuôi con nuôi và Công ước Lahay gặp nhiều khó khăn do quy định mới, trình tự thủ tục giải quyết mới, nhiều nơi còn chưa thành thạo các quy định pháp luật mới, cách làm cũ vẫn còn ảnh hưởng tới công tác giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Đặc biệt, quy định tách bạch hỗ trợ nhân đạo với hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài đã khiến cho nhiều cơ sở nuôi dưỡng gần như “đóng cửa” không tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng trong khi còn số lượng lớn trẻ em bị bỏ rơi ngoài cộng đồng được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại các nhà chùa. Nhiều địa phương chưa thực hiện thủ tục tìm gia đình thay thế trong nước đối với những trẻ em cần tìm gia đình thay thế hiện đang sống tại các cơ sở nuôi dưỡng. |
Theo Pháp luật Việt Nam