Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Những ai mà được xã hội, dân tộc ghi nhận và thực sự có đóng góp, hy sinh, nhất là các đồng chí đó đã qua đời thì càng phải được chú ý tôn vinh. Trong chiến tranh, không ai đặt vấn đề giải thưởng nhưng những bài ca, tiếng hát, tác phẩm đó còn mãi mãi với dân tộc. Chúng ta xem xét là vì chuyện đó. Nhưng vận dụng như thế nào cho chặt chẽ, quy trình, quy định, bổ sung như thế nào để không bị lạm dụng, không làm phức tạp, đó mới là vấn đề. Hội đồng bình chọn đều là những người nổi tiếng thì chắc chắn ai cũng biết rõ các tác phẩm đó như thế nào".
Thủ tướng nêu rõ, những người đặc biệt có đóng góp xuất sắc được xã hội, dân tộc và cuộc kháng chiến của dân tộc ghi nhận thì cần có trách nhiệm phải làm rõ. "Không thể vì một quy trình máy móc nào mà cản trở những tài năng đã đóng góp cho đất nước"
Thủ tướng đề nghị bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm sửa đổi, bổ sung quy trình để Hội đồng xét tặng các giải thưởng này có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét các trường hợp đặc biệt (có đóng góp lớn lao cho nền văn học, nghệ thuật của đất nước, được xã hội, được lịch sử và được công chúng ghi nhận) trước khi trình Chủ tịch nước quyết định. "Có nhiều tác giả rất nổi tiếng, ai cũng biết và ghi nhận những đóng góp, hy sinh to lớn của họ. Họ hoàn toàn xứng đáng nhưng bây giờ họ không đạt là do quy định của chúng ta".
Theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chiều cùng ngày, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã báo cáo Chính phủ về những bất cập trong lần đầu tiên xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật theo Nghị định 90/2014/NĐ-CP được ban hành từ năm 2014. Theo đó, 7 hồ sơ gồm: Nhạc sĩ Thuận Yến, nhạc sĩ - NSND Đinh Ngọc Liên, nhà thơ Thu Bồn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ninh Viết Giao, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng và đạo diễn - NSND Trần Bảng chưa được xem xét vì không có giải thưởng trong các cuộc thi hay liên hoan chuyên nghiệp, do trong điều kiện chiến tranh nên không tổ chức được các cuộc thi.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, trường hợp nhà thơ Xuân Quỳnh hiện đã đủ điều kiện để xét thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh sau khi Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam có giấy xác nhận tập thơ thiếu nhi Bầu trời trong quả trứng của nhà thơ Xuân Quỳnh đã được giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982-1983.
Trước đó, khi danh sách các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, gia đình nhạc sĩ Thuận Yến, gia đình nhạc sĩ - NSND Đinh Ngọc Liên đã gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT&DL mong muốn được biết lý do vì sao 2 nhạc sĩ không được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh dù họ có công lao đóng góp lớn đối với nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Trước đó, gia đình nhạc sĩ Thuận Yến và nhạc sĩ - NSND Đinh Ngọc Liên đã có “tâm thư” gửi lên Thủ tướng Chính phủ và bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị giải thích lý do 2 nhạc sỹ không được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này. NSƯT Thanh Hương - phu nhân của nhạc sĩ Thuận Yến cho biết, cả cuộc đời nhạc sĩ Thuận Yến chỉ biết sáng tác và cống hiến cho âm nhạc nước nhà. Từ 15 tuổi ông đã tham gia cách mạng cho tới khi qua đời ở tuổi 83 tuổi, cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc cách mạng. Những tác phẩm của nhạc sĩ Thuận Yến như: Mỗi bước ta đi, Người mẹ miền Nam tay không bắt giặc, Gửi em ở cuối sông Hồng, Con gái mẹ đã thành chiến sỹ, Màu hoa đỏ… có sự lan tỏa, sức sống trường tồn qua thời gian. Một số ca khúc khác viết về Bác Hồ: Người về thăm quê, Bác Hồ một tình yêu bao la, Miền Trung nhớ Bác… cũng là những ca khúc nổi tiếng và được nhân dân yêu thích.
Về giải thưởng, cố nhạc sĩ Thuận Yến từng được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2001, một Huân chương Lao động hạng ba, hai Huân chương Lao động hạng hai, một Huân chương Lao động hạng nhất. Gia đình nhạc sĩ Thuận Yến mong muốn được gặp gỡ và giải thích cho gia đình lý do nhạc sĩ không được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này.
Cũng với băn khoăn tương tự, bà Đinh Tuyết Lan, con gái nhạc sĩ – NSND Đinh Ngọc Liên cũng có “tâm thư” gửi Thủ tướng Chính phủ, sau khi biết cố nhạc sĩ không có tên trong danh sách các tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt V. “Khi ông còn sống cũng như khi đã mất, chưa bao giờ gia đình tôi đòi hỏi cái gọi là “bản quyền” mà các tác phẩm của ông đến bây giờ vẫn được sử dụng, chỉ lấy đó làm niềm tự hào của gia đình. Khi ba tôi được Hội đồng xét duyệt đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, cả gia đình đều thầm cảm ơn Hội đồng xét duyệt và những người làm nghề biết ông và đã không quên ông. Nhưng cho đến hôm nay, danh sách được trao giải lại không có tên ông… Những tác phẩm của ông là những trang ghi chép lịch sử cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Gia đình chúng tôi chỉ mong muốn nhận được sự công bằng, ghi nhận những cống hiến và tài năng, những sáng tác có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà của ba tôi – NSND Đinh Ngọc Liên”, tâm thư viết.
Trước đó, ngày 24/2, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký văn bản số 39/BC-BVHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ nhằm báo cáo chi tiết về công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016. Theo đó, báo cáo khẳng định công tác xét tặng giải thưởng được thực hiện đảm bảo theo quy định tạo 3 cấp Hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, Hội đồng cấp Nhà nước.
Ngày 14/2/2017, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Tờ trình số 31/TTr-HĐGT trình Thủ tướng Chính phủ, trình Chủ tịch nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật cho 2 cố tác giả: Nguyễn Thị Xuân Quỳnh và Hà Đức Trọng (Thu Bồn), hai người có hồ sơ đủ điều kiện và tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% trở lên của tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước.
Hồ sơ này tuy thiếu Giải thưởng theo quy định tại khoản 3 điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ nhưng các tác phẩm này được Hội đồng đánh giá có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, tác dụng giáo dục và định hướng thẩm mỹ cao cho thanh, thiếu niên; góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 23/2/2017, bà Lưu Khánh Thơ - đại diện gia đình của cố tác giả Nguyễn Thị Xuân Quỳnh đã có đơn đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan xem xét hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho tác giả Nguyễn Thị Xuân Quỳnh do gia đình đã xin được Giấy xác nhận của hội Nhà văn Việt Nam về việc tập thơ thiếu nhi Bầu trời trong quả trứng của tác giả Xuân Quỳnh được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982- 1983.
Dự kiến, lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2016 sẽ diễn ra ngày 11/3 tới tại Nhà hát lớn Hà Nội. Trong đó, Giải thưởng Hồ Chí Minh sẽ được trao cho 10 tác giả, cố tác giả; Giải thưởng Nhà nước được trao cho 56 tác giả, đồng tác giả và 11 cố tác giả có đóng góp xuất sắc cho nền văn học nghệ thuật.
Nguyễn Việt Chiến