Lo Tết cho cả 5 con
Gặp lại chị Thư, mẹ của những em bé trong ca sinh 5 đầu tiên tại Việt Nam vào một buổi chiều cuối năm, chị vẫn tất bật để chuẩn bị bữa tối cho các bé. Đến nay, các bé đã được hơn 4 tuổi. Năm đứa trẻ hiếu động, là niềm hạnh phúc không thể nào hơn của anh chị.
Chị nói, mỗi năm Tết đến là thêm một nỗi lo. Ngày thường chị đã vất vả, ngày Tết chị càng vất vả hơn. Ngày thường, 5 bé đi nhà trẻ, chị mới có thời gian rảnh rỗi vào buổi sáng để lo việc nhà cửa, bếp núc, đi chợ, nấu ăn. Rảnh thì chị đăng bán đồ qua mạng để kiếm thêm thu nhập. Nhưng những ngày gần Tết, các bé được nghỉ học nên chị vô cùng bận rộn. Việc trông giữ các con choán hết thời gian của chị. Hơn thế, chị còn chuẩn bị nhà cửa để đón Tết.
“Các bé ngày càng lớn. Mỗi lần Tết đến, các bé lại đòi mẹ mua cho cái này cái kia. Mà một đứa thì không sao, đằng này tôi lại có đến 5 đứa. Khổ hơn là 5 bé cứ đòi mua quà y chang nhau, ít nhất là khác màu nhưng phải cùng kiểu các bé mới chịu. Mỗi năm, chiều 28 Âm lịch là tôi dắt các bé đi mua đồ Tết. Tôi để các bé tự lựa chọn rồi mua luôn một lần cho khỏe. Các bé tỏ vẻ thích thú và mong tới Tết dữ lắm. Dù nghèo thật, nhưng Tết đến, gia đình tôi cũng ráng sắm cho các bé đầy đủ như bao bạn bè cùng trang lứa”, chị Thư tâm sự.
Theo chị Thư, hàng xóm xung quanh cũng rất quý các bé nên ngày cận Tết, người thì cho quần áo, người thì cho bánh kẹo. Có người thương đến mức chở 5 bé đi mua sắm. Các bé thích gì, họ mua cho thứ ấy. Phần lớn thu nhập của gia đình chị Thư đều nhờ vào tiền lương làm tài xế taxi của anh Hiếu. Do đó, những ngày Tết, hầu như anh không được ở bên vợ con nhiều. Những ngày này, chỉ mình chị và mẹ chồng lo toan việc nhà cũng như sắm sửa cho các bé. Ngày Tết, chị cùng mẹ chồng dắt các con đi thăm họ hàng.
“Vì gia đình đông con nên mỗi lần đến nhà họ hàng, tôi ngại lắm. Ngại nhất là khoản nhận lì xì. Mỗi lần như vậy, gia chủ phải lì xì một lượt 5 bé. Đã vậy, hễ đứa cả nhiều tiền hơn là đứa út lại “kiện””, chị Thư nói.
Khi được hỏi về cái Tết mà chị nhớ nhất từ khi sinh các bé, chị Thư bồi hồi kể: “Còn nhớ Tết năm 2016, đêm giao thừa, đứa út của tôi bị sốt cao nên phải đưa vào bệnh viện. Mẹ chồng tôi phải lo chăm 4 bé còn lại, chồng tôi lại chạy xe chưa về. Thế nên, một mình tôi phải một tay bế con một tay chạy xe máy đến bệnh viện. May là bé không sao. Thế là Tết năm đó, tôi ăn Tết trong bệnh viện cùng con luôn”.
Tết không “đụng hàng”
Trong khi đó, Tết của chị Phi, mẹ của các mẫu nhí là chị em sinh ba đang khuynh đảo mọi sàn diễn thời trang lại rất khác. Sinh ngày 28/11/2009, Bảo Ngọc, Bảo Ngân và Bảo Nguyên bén duyên với nghề "người mẫu" từ một show diễn của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường vào năm 2013.
Cho các bé tiếp xúc nghệ thuật từ rất sớm là cách để chị và gia đình rèn luyện cho các bé tính cách mạnh dạn và nhanh nhẹn hơn so với tuổi. Tết của chị em sinh ba này cũng vô cùng khác lạ. Những ngày cuối năm thường là dịp các buổi biểu diễn thời trang lớn dành cho các bé diễn ra. Do đó, có năm, chị Phi đưa 3 bé đi diễn đến qua đêm giao thừa mới về . Ba cô bé rất thích biểu diễn thời trang, hay nói đúng hơn là các bé rất thích mặc đồ đẹp bước lên sân khấu và nhận được vô số những ánh mắt ngưỡng mộ. Vì các bé thích nên hay hỏi mẹ có show nào thì cho các con đi casting để được diễn.
“Những ngày cuối tháng 12 Dương lịch, thường là lúc có nhiều show diễn nhất, dù nhà ở Đồng Nai nhưng tôi vẫn chạy lên TP.HCM để cho các bé diễn. Như năm ngoái, tôi nhận cho các bé show diễn đêm giao thừa. Lúc đầu, tôi không định nhận đâu nhưng vì các bé thích quá nên đồng ý. Đêm đó, diễn về trễ, đã vậy từ TP.HCM về Đồng Nai lại khá xa mà còn kẹt xe nữa nên bốn mẹ con đón năm mới ở ngoài đường. Lúc về, ông bà nội giận không nói gì cả. Thế mà, sáng mùng Một thấy mặt 3 cô cháu gái với gương mặt rạng rỡ y chang nhau, cùng mặc áo dài đỏ xếp hàng đợi lì xì, ông bà lại vui vẻ ngay. Chứ ngày thường thì ông bà khó hết giận lắm”, chị Phi vui vẻ kể.
Vì hai cô bé có sở thích giống nhau nên hễ chị Bình chọn một món quà nào đó là hai bé lại bắt mẹ chọn thêm một món y như vậy. Dường như đối với hai cô bé, mọi thứ xung quanh đều phải có đôi có cặp giống nhau. Đứng ở giữa chợ Tết đông đúc, ồn ào mà tôi phải cố giải thích cho hai bé hiểu. Những lần như vậy, tôi phải mất một khoảng thời gian dài hai bé mới chịu làm theo ý tôi”, chị Bình kể.
Chị cho biết thêm: “Chưa dừng lại ở đó, vì hai bé giống nhau như hai giọt nước nên các cô chú, ông bà hay nhầm lắm, chả biết đứa nào là chị đứa nào là em cả. Vừa bước xuống xe, ông bà đã hỏi là đứa nào là Thục Đoan, đứa nào là Thiện Mỹ. Ông bà còn trêu vui là chắc phải làm dấu mới phân biệt được hai đứa quá. Tới ngày mùng Một Tết, ông bà hay cô chú gọi tên đứa này nhưng lại lì xì cho đứa kia,...”.
“Còn nhớ năm đó, ông ngoại lì xì cho hai đứa, mỗi đứa hai trăm ngàn. Khi mở phong bì ra Thục Đoan thấy trong phong bì của mình có hai tờ một trăm còn Thiện Mỹ lại thấy tờ hai trăm ngàn. Thế là cả hai khóc um lên, ông ngoại bối rối không biết làm sao. Tôi biết ý hai bé muốn có tiền lì xì giống nhau nên nói lại với mọi người trong nhà. Cả nhà được một phen cười bể cả bụng. Thế là từ đó mọi người trong gia đình rút kinh nghiệm là phải lì xì cho hai bé y chang nhau cả về mệnh giá lẫn số tờ”, chị Bình cho biết thêm.
Còn chị Trần Thị Xuân Bình (ngụ quận 2, TP.HCM), mẹ của hai bé song sinh Phạm Thục Đoan và Phạm Thiện Mỹ kể: “Gia đình tôi có thói quen là đưa các cháu về quê ăn Tết. Năm thì về quê ngoại, năm thì về quê nội. Mỗi lần về quê ăn Tết, tôi thường cùng các con đi mua quà để biếu ông bà, cô chú. Và cũng trong những lần đi mua sắm ấy, tôi chứng kiến những niềm vui bất ngờ”.