Đào là loại cây không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Nhiều người thường nghĩ đến cây đào làm cảnh hoặc lấy quả. Tuy nhiên, trên cây đào có thứ nhựa đặc biệt được ví như "tổ yến trong giới thực vật".
Trên thân cây đào có thể tiết ra một thứ sền sệt gọi là nhựa đào. Chất này có màu nâu vàng, trong suốt như pha lê, sau đó sẽ khô và cứng lại, trông hơi giống hổ phách. Nhựa đào hay cao đào còn có cái tên mỹ miều khác là "nước mắt hoa đào".
Nhựa đào có dạng dẻo, trong suốt, màu hơi ngả vàng, được cây đào tiết ra để chữa lành vết thương trên thân cây. Thành phần chính của nhựa đào gồm chất xơ hòa tan, chứa galactose, rhamnose và glucose.
Trên thực tế cây đào tiết nhựa như một cơ chế bảo vệ khi bị tác động bởi ngoại lực hoặc sâu bệnh. Nhưng đối với một số ngườ, nhựa đào lại là một đặc sản có giá trị dinh dưỡng cực cao. Đặc sản này có kết cấu mềm dẻo, vị ngọt nhẹ nên thường được thêm vào các món tráng miệng để tăng độ thơm ngon.
Trong nhựa đào chứa rất nhiều dưỡng chất như polysaccharides, collagen, axit amin và các loại khoáng chất. Bảng thành phần này mang đến nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe như hỗ trợ ngăn ngừa lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện làn da…
Trước khi sử dụng nhựa đào người ta thường được ngâm qua đêm hoặc tối đa 18 tiếng trước khi nấu để làm mềm kết cấu của nhựa cứng.
Không chỉ dùng làm thực phẩm, trong y học cổ truyền Trung Quốc, nhựa đào từ xa xưa được coi như một phương thuốc điều trị nhiều loại bệnh về da, hỗ trợ giảm mỡ máu, ngăn ngừa các bệnh về đường ruột.
Ở Trung Quốc, giá nhựa đào có thể lên đến 120 NDT (410.000đ)/kg. Tại Việt Nam, nhựa đào hiện có giá khoảng 400.000 - 450.000đ/kg tùy nơi bán.
Sở dĩ nhựa đào có giá cao là vì quá trình thu hoạch, sơ chế và bảo quản chúng không dễ dàng. Vì kết cấu của nhựa đào rất dính nên rất khó hái. Sau khi hái, người ta phải thực hiện nhiều bước để làm sạch nhựa đào, cuối cùng là sàng lọc về kích thước, chất lượng và sấy/phơi khô. Thời gian phơi khô thường rất lâu mất khoảng nửa tháng.
Mặc dù nhìn những viên nhựa đào được gỡ xuống giống như đường, người ta liền suy đoán nhựa đào có thể ăn được. Vì nhựa đào có thể làm lành vỏ cây, có lẽ cũng sẽ có tác dụng đối với da người. Sau đó, một đồn mười, mười đồn trăm, công dụng của nhựa đào bị thổi phồng thành "thần dược dưỡng nhan".
Tuy nhiên thực tế, công dụng dưỡng nhan của nhựa đào rất mơ hồ, không được công nhận chính thức. Nếu sử dụng không đúng cách còn có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Trúc Chi (t/h)