Ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Cù lao Chàm (Quảng Nam) có một loại cua vô cùng đặc biệt, phải được dán nhãn mới được phép bán ra thị trường, đó là con cua đá.
Cua đá Cù lao Chàm có tên khoa học là Gecarcoidea lalandii, sống chủ yếu trong hốc hang đá, di chuyển leo trèo rất linh hoạt. Thức ăn chủ yếu của chúng là côn trùng, lá cây, lá thuốc thảo dược....
Về đặc điểm nhận dạng, cua đá Cù lao Chàm có màu khác hẳn so với các loài cua thông thường. Theo đó, chúng có màu nâu tím, phần bụng lại ngả màu vàng ươm.
Một điểm đặc biệt của con cua đá Cù lao Chàm là rất nhiều gạch, cả con đực lẫn con cái đều có nhiều gạch như nhau. Gạch cua có màu sẫm, vị như thuốc bắc, thơm nồng mùi thảo dược, vừa lạ miệng lại bổ dưỡng. Thịt cua thì có vị ngọt thanh chứ không phảng phất vị tanh thường thấy của động vật miền biển.
Thời điểm thích hợp để đi bắt cua đá là vào ban đêm – lúc cua rời hang đi kiếm ăn. Ban ngày, chúng rất khôn và tinh, chỉ cần nghe một tiếng động nhẹ là đã nhanh chóng lẩn vào các hốc đá, không tài nào bắt được.
Người đi bắt chỉ cần cầm theo đèn pin, rọi thẳng vào cua là chúng sẽ như bị thôi miên. Lúc này, người ta nhanh tay chộp cua bỏ vào giỏ. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng khi bắt cũng cần hết sức cẩn thận vì cua đá sở hữu cặp càng to khỏe. Chỉ một chút sơ sẩy là người bắt cũng có thể “dính đòn”, bị cua kẹp khó lòng gỡ nổi.
Chia sẻ với Tri thức & Cuộc sống, anh Thảo (ở xã đảo Tân Hiệp) cho biết: "Cua đá rất tinh ranh, hễ có tiếng động là chui ngay vào trong hang để ẩn nấp. Ban đêm là thời điểm thích hợp nhất để săn chúng. Khi thấy đèn pin, loài này như bị thôi miên, cứ thế là bắt chứ ban ngày thì khó mà "săn" được.
Cua đá chỉ được phép khai thác từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 7. Khoảng thời gian còn lại là chu kỳ cua sinh sản nên tuyệt đối không được đánh bắt, mua bán".
Được biết, cua đá có chiều ngang mai trên 7cm, không mang trứng mới được dán nhãn cho phép bán ra thị trường. Những con không đạt chuẩn về kích thước sẽ được phóng thích về lại môi trường tự nhiên.
"Cua sống tự nhiên trên núi, lại có vị thuốc bắc nên du khách đến Cù lao Chàm đều "săn lùng" để được ăn thử. Thế nhưng, những ai đến đây vào mùa cua đá không được khai thác thì không có cơ hội được thưởng thức loài cua hiếm này", anh Thảo nói thêm.
Trên thị trường, cua đá Cù Lao Chàm được bán với giá lên tới 2 triệu đồng/kg nhưng rất hiếm, không phải có tiền là mua được. Cua đá có trọng lượng trung bình từ 100-200gr/con, con nào có kích thước lớn thì khoảng 300-400gr/con.
Từ con cua đá có thể làm thành các món: nướng, kho, rang muối, nấu bún riêu… Nhưng đơn giản và thường thấy nhất là món canh cua đá nấu với các loại rau rừng.
Lựa những con cua cỡ vừa, đem về rửa sạch thân ngoài, lấy gạch rồi giã cho cua giập sơ. Cua đá rất hợp với các loại rau rừng như rau sắng, rau dớn, rau lủi, chùm bao hoặc rau mồng tơi, cải cúc... Khi chín, vị thơm của thịt cua kết hợp với vị ngọt của rau rừng sẽ làm ấm lòng người thưởng thức.
Một món ngon đơn giản nữa là cua đá hấp sả. Chỉ cần hấp cách thủy trong nửa giờ, toàn bộ thân cua sẽ chuyển sang màu đỏ hồng, vỏ bóng loáng. Thực khách thường ăn kèm cua hấp với rau húng, rau răm chấm muối tiêu chanh. Vị đậm đà, ngon ngọt của cua đá quyện với mùi thơm của rau cứ ngấm dần và lưu lại mãi nơi cuống họng.
Mấy năm gần đây, cua đá ở Cù lao Chàm ngày càng hiếm nên được bảo tồn nghiêm ngặt. Sau khi đánh bắt, cua được kiểm duyệt và dán nhãn kỹ trước khi bán ra thị trường.
Để bảo tồn loại cua này, từ nguồn Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Tp.Hội An và Hội Nông dân xã Tân Hiệp đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ và khai thác bền vững cua đá Cù lao Chàm”. Hợp tác xã cua đá Cù lao Chàm có hơn 40 thành viên, mỗi thành viên chỉ được dán nhãn tối đa 50 con cua/tháng.
Cua đá ở đảo Cù lao Chàm (xã Tân Hiệp, Tp.Hội An, tỉnh Quảng Nam) được mệnh danh là vua của các loài hải sản, với hàm lượng dinh dưỡng cao, bổ dưỡng chỉ xếp sau món yến sào.
Tuy vậy, theo khảo sát của các chuyên gia, số lượng cua đá ở Cù lao Chàm đang giảm đến mức đáng báo động - nếu không có giải pháp quản lý kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng trong thời gian tới.
Cụ thể, theo Người Lao Động, số liệu khảo sát của một đơn vị chuyên môn do UBND Tp.Hội An thuê thực hiện từ năm 2021 đến nay cho thấy số lượng tức thời cua đá năm 2023 giảm 33% so với năm 2021. Hiện nay, số lượng cá thể cua đá ước tính còn lại ở Cù lao Chàm khoảng 19.628 con, trong đó khu vực Hòn Dài giảm nhiều nhất (72,4%). Cùng với thực tế quan trắc và tham vấn cộng đồng, các chuyên gia cho rằng mô hình quản lý cua đá tại Cù lao Chàm đang gặp phải nhiều thiếu sót dẫn đến chưa thể kiểm soát việc khai thác một cách đồng bộ và chặt chẽ.
Vừa qua, UBND Tp.Hội An đã tổ chức cuộc họp về kết quả điều tra, nghiên cứu và kiến nghị các giải pháp thực hiện đối với công tác bảo tồn, quản lý loài cua đá tại đảo Cù lao Chàm. Cuộc họp được xem là một trong những bước đi đầu tiên nhằm tổ chức lại khâu quản lý, phục hồi hiện trạng cua đá đang rất đáng báo động những năm gần đây. Hiện UBND Tp.Hội An đang giao cho Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm làm việc với tổ cộng đồng bảo tồn và khai thác bền vững cua đá và Hợp tác xã cua đá Cù lao Chàm, nhằm phân công trách nhiệm giữa các bên liên quan, củng cố lại mô hình hoạt động, xây dựng quy chế, phương án quản lý và khai thác một cách chặt chẽ hơn.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hội An cho rằng hiện trạng cua đá tại Cù lao Chàm dù đang trong tình thế báo động nhưng vẫn có thể phục hồi được nếu các cơ quan, đơn vị và cộng đồng cùng chung tay góp sức. UBND Tp.Hội An cũng đang chỉ đạo Ban Quản lý khu bảo tồn biển tiếp tục khảo sát, xác định các khu vực có số lượng cua đá giảm mạnh sẽ cấm khai thác trong thời gian nhất định. "Loài cua đá sinh sản rất nhanh, nếu có giải pháp quản lý phù hợp thì sẽ rất nhanh tái đàn", ông Hùng tin tưởng.
Minh Hoa (t/h)