Trái dứa (trái khóm) là thứ quả quen thuộc, giải nhiệt vào mùa hè, được trồng ở khắp các miền quê Việt Nam.
Ở nước ta, hiện có ba giống dứa phổ biến là Queen (dứa gai), Cayenne (dứa mật), MD2 (dứa vàng - Golden Pineapple). Trái dứa có mùi thơm mạnh, nhiều đường, lượng calo cao, giàu chất khoáng và có đủ các loại vitamin cần thiết.
Ngoài ăn tươi, xào thịt, nấu canh, dứa còn được chế biến thành nước ép đóng hộp, bán trong nội địa và cả xuất khẩu. Xác dứa sau khi chế biến dùng làm thức ăn gia súc và phân bón. Thân và lá dứa làm bột giấy, để lấy sợi.
Dứa chủ yếu được trồng để ăn quả, tuy nhiên có một bộ phận trên cây dứa nhiều người nghĩ bỏ đi, nhưng thực chất nó là món ăn đặc sản vô cùng nổi tiếng của Hậu Giang, đó là củ hũ dứa.
Theo Tri thức & Cuộc sống, củ hũ dứa là phần đọt non của thân cây dứa. Để lấy được nó, người ta phải nhổ cả cây đang còn tươi tốt để lấy phần lõi.
Ở miền Tây, người dân chủ yếu trồng dứa để lấy quả chứ không ai trồng dứa để thu hoạch củ hũ, vì thế mà củ hũ dứa là đặc sản hiếm, người dân địa phương cũng chỉ được ăn vài lần trong năm khi vào mùa phá cây dứa.
Người dân địa phương cho biết, cây dứa trồng khoảng 8 tháng sẽ cho quả, 4 tháng thu hoạch quả một lần. Khi cây trồng được 24-30 tháng sẽ lão hóa, người dân chặt bỏ để trồng lứa mới. Lúc đó, người ta lấy phần đọt non của thân cây, gọt vỏ cho lộ phần trắng bên trong để đem chế biến món ăn.
Củ hũ dứa được luộc sơ trước khi đem chế biến. Được biết, công đoạn sơ chế này vô cùng quan trọng, nếu luộc thiếu hoặc quá lửa, củ hũ dứa sẽ đắng. Muốn củ hủ giòn trắng, thơm thì nhất định phải ngâm với nước đá sau khi bào xong.
Theo báo Vĩnh Long, từ củ hũ dứa, người ta có thể chế ra hàng chục món ăn ngon như: trộn gỏi, đổ bánh xèo, xáo măng đến làm dưa chua... Trong đó, món ăn làm nên “thương hiệu” cho củ hũ dứa là trộn gỏi với cá khô.
Củ hũ dứa bào mỏng, ướp lạnh cho giòn rồi ngâm với giấm, đường. Khô cá lóc hay cá sặc bổi đem nướng chín, xé nhỏ trộn với củ hũ, ớt cắt sợi, rưới thêm ít nước mắm tỏi ớt cho vừa miệng. Vị ngọt của củ hũ khóm hòa với vị mặn của cá khô và chua cay của gia vị càng ăn càng nghiền.
Một món từ củ hũ cũng không thể bỏ qua là đổ bánh xèo củ hũ dứa với thịt vịt. Củ hũ dứa giòn giòn, ngọt thanh, thịt ức vịt xiêm tơ băm nhuyễn mềm chắc, ngọt béo vừa đủ ăn kèm rau lá quanh vườn và chén nước mắm đậm đà chua ngọt.
Để làm giảm đi vị nhẫn nhẫn đắng tự nhiên của củ hũ dứa, người dân miền Tây còn chế biến chúng thành dưa chua để ăn kèm với những món ăn khác. Để món dưa chua ngon hơn, người nấu cần thái củ hũ dứa thành sợi mỏng dài cho vừa ăn. Công đoạn chuẩn bị nước xốt ngâm dưa cũng giống món gỏi nhưng phải nấu lên để nó có độ sánh và để được lâu ngày, giúp dưa chua ngấm nhanh và ăn ngon hơn.
Còn với món củ hũ dứa xào tôm, trước hết người nấu cần phải phi tỏi thật thơm, sau đó cho tôm đã lột sẵn vào đảo đều cho chín, rồi cho tiếp phần củ hũ vào đảo đều tay. Bạn có thể nêm thêm ít muối, bột ngọt, tiêu và thêm hành ngò để món ăn trở nên đậm đà hơn.
Ngoài ra bạn có thể làm món củ hũ dừa hầm giò heo. Món ăn này chủ yếu có vị ngọt từ chân giò ninh trong thời gian dài kết hợp với củ hũ dừa càng thêm thơm ngon. Món này khá giống với giò heo hầm măng, có điều củ hũ dứa giòn, non và ngọt hơn.
Những năm gần đây, trên thị trường có một vài địa chỉ bán củ hũ dứa với giá 70.000 đồng/kg. Thứ đặc sản này giòn ngọt dịu nhẹ, thích hợp cho những ngày hè, bạn có thể mua về để chế biến thành các món ăn thanh mát chiêu đãi cả gia đình.
Minh Hoa (t/h)