Mới đây, Cục trưởng cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi xác nhận, đơn vị vừa mới ký văn bản đề nghị kỷ luật hàng loạt cán bộ vì các vụ tai nạn đường sắt. Việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với công chức thuộc đơn vị trực tiếp hay gián tiếp đến công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn giao thông đường sắt là cần thiết để răn đe, chấn chỉnh trong thực thi công vụ.
Được biết, tại báo cáo của cục Đường sắt Việt Nam gửi lên bộ GTVT, Cục trưởng cục Đường sắt Vũ Quang Khôi tự nhận hình thức kỷ luật "phê bình nghiêm khắc" và chịu mọi hình thức kỷ luật của Bộ trưởng. Ngoài ra, Cục phó Khương Thế Duy tự nhận kỷ luật khiển trách.
Cùng với đó, còn có 3 người là lãnh đạo các phòng Tham mưu và Thanh tra an toàn của cục này nhận chịu kỷ luật khiển trách, 11 người nhận chịu hình thức phê bình nghiêm khắc.
Sau khi đọc được văn bản đó, tôi cứ băn khoăn một nỗi là tại sao trước đó, khi liên tiếp 4 vụ tai nạn đường sắt xảy ra trong 1 tuần, truy trách nhiệm lãnh đạo ngành Đường sắt, có nhiều ý kiến đề nghị cách chức "tư lệnh" ngành, nhưng đến lúc nhận hình thức kỷ luật, dường như vị Cục trưởng đã tự lãng quên mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn đường sắt đó. Tôi đoán là như thế, vì Cục trưởng chỉ tự nhận hình thức kỷ luật trước cấp trên là... "phê bình nghiêm khắc".
Theo cá nhân tôi được biết trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ chỉ có khiển trách, cảnh cáo, cách chức và bãi nhiệm chứ không có hình thức kỷ luật nào là "phê bình nghiêm khắc”. Điều đó cũng đồng nghĩa, "phê bình" không phải là hình thức kỷ luật! Vậy tại sao, vị Cục trưởng lại tự nhận một hình thức kỷ luật không tồn tại trong quy định của luật pháp hiện hành?
Qua đọc các tài liệu, tôi được biết, tự phê bình – phê bình là biện pháp tư tưởng nhằm đấu tranh trong nội bộ để khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm... Vì vậy, "phê bình nghiêm khắc" không phải là một hình thức kỷ luật, một hình phạt, không phải một biện pháp về tổ chức mà là một sinh hoạt tư tưởng, đấu tranh nội bộ...
Trước đó, ông Khôi còn phát biểu :"Chúng tôi khẳng định là chúng tôi không có lỗi gì. Chúng tôi đã làm rất trách nhiệm sau khi xảy ra các sự cố". Một câu trả lời được xem như phát ngôn vội vàng, thiếu trách nhiệm của vị lãnh đạo đứng đầu ngành Đường sắt.
Vậy nên trong lần này, với hình thức kỷ luật tự nhận kia, đối với các vị cán bộ, chúng ta cũng chẳng lấy làm sốc cho lắm, cũng chẳng có gì bất ngờ bởi các vị chỉ nhận trách nhiệm của mình đến mức đó thôi. Nhưng có gì đó hơi nực cười trong cách nhìn nhận trách nhiệm của những người lãnh đạo đầu ngành. Đúng ra, càng là người đứng đầu càng phải quyết liệt, gương mẫu trong công việc, gương mẫu cả trong nhìn nhận trách nhiệm của chính bản thân mình.
Hơn nữa, với vị trí Cục trưởng, một vị trí không phải ai cũng đủ tâm, đủ tầm để nhận được sự tin tưởng của nhân dân, sự giao phó trách nhiệm của cấp trên, thì tin rằng càng cần nhận thức đúng đắn về sai phạm nghiêm trọng đến mức nào. Vậy nhưng, tự nhận một hình thức kỷ luật chung chung không có trong quy định, liệu rằng có thực sự xứng đáng là những người đứng đầu một ngành của đất nước?
Và có một sự thật hiển nhiên là, khi lãnh đạo, cụ thể là lãnh đạo cấp bộ GTVT quyết định hình thức kỷ luật đối với các cán bộ trong ngành, trong đó có vị Cục trưởng, sẽ phải dựa theo luật để tiến hành. Bởi nếu xử lý một cách chung chung cho có thì khó làm gương với những người khác.
Thiết nghĩ, người đứng đầu ngành Đường sắt tự nhận hình thức kỷ luật "phê bình nghiêm khắc" cho khuyết điểm sai lầm của mình là không đúng với quy định, dư luận cũng không thể chấp nhận đó là hình thức kỷ luật. Nên chăng, thưa Cục trưởng, tự nhận hình thức kỷ luật là sự tự giác và cần sự khách quan, công tâm hơn nữa để thực sự xứng đáng với vị trí cũng như sự tin tưởng của nhân dân, của cấp trên.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!