Thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, nhà máy Đạm Ninh Bình xin Chính phủ trả nợ thay khoản vay tương ứng 125 triệu USD được nhiều chuyên gia kinh tế cho là “phớt lờ” chỉ đạo.
Bởi trước đó, nhiều lần, Chính phủ đã khẳng định quan điểm “không dùng ngân sách Nhà nước để trả nợ”. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Bùi Văn Phương, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình để làm rõ vấn đề này.
PV: Ngay sau khi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đề nghị Chính phủ đứng ra trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình khoản vay khoảng 125 triệu USD từ ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc, còn Vinachem chỉ trả lãi và phí, dư luận đã rất băn khoăn. Cá nhân ông có ý kiến thế nào?
ĐBQH Bùi Văn Phương: Trong tổng thể chủ trương các giải pháp của Chính phủ về 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ, có nhiều phương án như: Cơ cấu lại và phục hồi phương án sản xuất kinh doanh, tính toán giảm chi phí, thậm chí bán, liên danh, liên kết hoặc thực hiện phá sản theo quy định của luật.
Riêng Đạm Ninh Bình, chủ trương xây dựng là đúng do mong muốn chủ động trong nguồn phân đạm cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có những thiếu sót trong thực thi, nguồn vốn vay, nếu doanh nghiệp tự vay thì là trách nhiệm của doanh nghiệp. Nếu Chính phủ bảo lãnh thì Chính phủ chịu trách nhiệm. Nếu Chính phủ không vay, không bảo lãnh thì doanh nghiệp tự vay, tự trả.
PV: Thủ tướng, Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh việc Nhà nước không trả nợ thay cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, phía tập đoàn Hóa chất vẫn đưa ra những lý do để đề xuất việc này, phải chăng là “phớt lờ” chỉ đạo?
ĐBQH Bùi Văn Phương: Lâu nay vẫn còn câu chuyện doanh nghiệp Nhà nước cứ làm, thua Nhà nước chịu. Do đó đã xuất hiện hàng loạt các dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng thua lỗ. Đa số khi viết dự án rất hay, làm nhanh làm chóng để có được sự phê duyệt, nhưng rồi thực tế đầu ra không cao như dự án đã viết.
Chuyện quan trọng là chúng ta đã nhận rõ mặt yếu kém, bây giờ tập trung khắc phục. Đương nhiên không thể lặp lại sai lầm ấy, không thể nghe theo đề xuất của doanh nghiệp một cách dễ dàng rồi Chính phủ lại bỏ tiền ra trả nợ.
Theo tôi, bộ Tài chính - cơ quan giúp Chính phủ kiểm soát “túi tiền” của Nhà nước, cũng phải tính toán tất cả các yếu tố để tham mưu cho Chính phủ, xem các đề xuất có khả thi hay không. Đừng đề xuất nói hay rồi làm không hay như việc thực hiện các dự án thời gian qua.
PV: Lập dự án hay để được phê duyệt, khi làm ăn thua lỗ lại cầu cứu Chính phủ trả nợ thay, dường như đang có một mô-tuýp “dựa hơi” vào ngân sách vốn đang rất khó khăn như hiện nay?
ĐBQH Bùi Văn Phương: Như tôi đã nói, chủ trương xây dựng nhà máy Đạm Ninh Bình là đúng nhưng từ chủ trương đến quá trình thực thi có những thiếu sót, dẫn đến chi phí đầu tư cao, các yếu tố tính toán chưa sát cả về mặt chủ quan và khách quan.
Với doanh nghiệp thua lỗ, người điều hành có một phần lỗi nhưng lỗi ở đây là do hệ thống. Ngay từ giai đoạn đầu đề xuất chủ trương đầu tư cho đến tổ chức thực hiện sau này.
Vì tính toán ban đầu lạc quan nên Nhà nước mới đồng ý chủ trương đầu tư. Nhưng nếu tâm lý cứ làm rồi thua lỗ để Nhà nước trả thì không được.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu