Trong báo cáo tháng 10, Trường Kinh tế Kyiv (KSE) cho biết nền kinh tế Nga đang hồi phục sau cú sốc ban đầu do cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra.
Do đó, tổ chức tư vấn của Ukraine kêu gọi tăng cường các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng “nhằm làm giảm khả năng tiếp cận ngoại tệ và khả năng tăng chi tiêu quân sự của Nga”.
Báo cáo tháng 10 “Tình hình kinh tế vĩ mô có dấu hiệu cải thiện, các biện pháp trừng phạt cần được thắt chặt” do KSE phát hành cung cấp cái nhìn tổng quan về nền kinh tế, chính sách ngoại thương, tài chính và tiền tệ của Nga.
“Tính hiệu quả và độ tin cậy của các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga đang bị đe dọa. Cơ chế quan trọng mà qua đó các lệnh cấm vận đối với dầu Nga và cơ chế giới hạn giá của G7/EU đã đè nặng lên thu nhập xuất khẩu và thu ngân sách – sự chênh lệch giữa nguồn cung của Nga so với giá toàn cầu – đang có dấu hiệu gặp rắc rối”, KSE nói.
“Khối lượng xuất khẩu giảm đóng một vai trò, nhưng khả năng ngày càng tăng của Nga trong việc dựa vào đội tàu chở dầu giúp né lệnh trừng phạt cũng đóng một vai trò quan trọng. Những vấn đề này cần được giải quyết khẩn cấp để duy trì áp lực lên Nga và đảm bảo rằng chế độ trừng phạt vẫn đáng tin cậy”.
Tổ chức tư vấn có trụ sở tại Kiev nhấn mạnh rằng nền kinh tế Nga đang hồi phục sau cú sốc ban đầu do chiến tranh và các lệnh trừng phạt gây ra. KSE cho biết trong báo cáo: “Do đó, điều quan trọng là phải tăng cường các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng – nhằm làm giảm khả năng tiếp cận ngoại tệ và khả năng tăng chi tiêu quân sự của Nga”.
Cơ quan này kêu gọi phương Tây hành động ngay lập tức để giải quyết vấn đề tuân thủ biện pháp giới hạn giá, “để bảo vệ độ tin cậy của chính sách trừng phạt”.
Vào tháng 9 năm nay, thu nhập từ xuất khẩu dầu của Nga đạt 18,8 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 7/2022 và thặng dư tài khoản vãng lai trong quý III/2023 đã tăng lên 16,6 tỷ USD (so với 9,6 tỷ USD trong quý II/2023).
“Nếu dòng ngoại tệ đổ vào tăng mạnh hơn nữa và thu ngân sách tiếp tục tăng, Điện Kremlin sẽ có thể theo đuổi chính sách tài chính và tiền tệ linh hoạt hơn khi đối mặt với chiến tranh và các lệnh trừng phạt”, KSE cho biết.
Mặc dù giá trị đồng rúp giảm 50% kể từ mùa thu năm ngoái là dấu hiệu cho thấy môi trường bên ngoài ít hỗ trợ hơn, nhưng nó đã giúp giảm thâm hụt ngân sách liên bang xuống 1.700 tỷ rúp trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, nhìn chung phù hợp với mục tiêu ban đầu.
“Sự cải thiện này sẽ cho phép Điện Kremlin tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng vào năm tới – tăng trưởng 68% so với kết quả ước tính năm 2023”, KSE cho biết.
Nói chung, nền kinh tế Nga đang dần hồi phục. Theo Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), GDP thực tế của Nga dự kiến sẽ tăng 1,6-2,2% trong năm nay. Năm 2024, tăng trưởng dự kiến đạt 1-1,5%. Tuy nhiên, sự phục hồi của hoạt động kinh doanh có thể bị cản trở nếu đồng rúp mất giá hơn nữa, khiến CBR phải tăng lãi suất trở lại.
CBR ấn định tỉ giá hối đoái chính thức của đồng USD vào ngày 19/10 là 97,3724 rúp đổi 1 USD, cao hơn 3 kopecks so với con số trước đó. Tỉ giá hối đoái đồng euro cũng được tăng thêm 15 kopecks lên 102,9059 rúp đổi 1 euro. Trong khi đó, tỉ giá hối đoái chính thức của đồng nhân dân tệ (RMB) không thay đổi và đang ở mức 13,2881 rúp đổi 1 RMB.
Minh Đức (Theo bne IntelliNews, TASS)