Sau nhiều năm bị “bỏ rơi”, Hải Vân Quan đã chính thức được bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia. Mới đây, lần đầu tiên lãnh đạo ngành văn hóa của TP.Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế cùng lên đỉnh Hải Vân để bàn cách cứu di tích Hải Vân Quan đang bị hoang phế trong khoảng thời gian dài.
Trong thời gian tới, TP.Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế sẽ làm gì để bảo vệ, trùng tu và khai thác có hiệu quả điểm di tích quốc gia mới được công nhận này? Để làm rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc sở Văn hóa – Thể thao TP.Đà Nẵng.
“Cha chung không ai khóc”
PV: Từ trước đến nay, Hải Vân Quan xuống cấp khá trầm trọng. Dư luận cho rằng, nguyên nhân chính là vì tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP.Đà Nẵng “giành nhau” liệu có đúng không, thưa ông?
Ông Huỳnh Văn Hùng: Hải Vân Quan nằm trên núi Hải Vân, thuộc địa giới hành chính của thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng. Đây là cửa ải quan trọng, trấn giữ đường thiên lý có từ thời Lê và đến triều Nguyễn, năm 1826, vua Minh Mạng đã cho tiến hành đặt quan, phái lính, đưa vũ khí đến trấn giữ và xây dựng Hải Vân Quan trở thành một trong những tổ hợp các công trình để phòng thủ cho Kinh đô Huế.
Di tích này chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, quân sự gắn liền với vương triều Nguyễn. Đáng nhẽ, di tích cần được trùng tu, tôn tạo từ lâu nhưng chưa làm được, trở nên hoang phế, xuống cấp bởi thiên nhiên lẫn con người xâm phạm nghiêm trọng. Sở dĩ, tình trạng này kéo dài do ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP.Đà Nẵng vẫn còn nhập nhằng, gây ra tình trạng “cha chung không ai khóc”. Gần đây, ngành văn hóa của hai địa phương rất bức xúc, chạnh lòng, ngồi lại tìm cách cứu Hải Vân Quan. Nhờ có tiếng nói chung mà Hải Vân Quan vừa được công nhận là di tích cấp quốc gia và sẽ được trùng tu tôn tạo trong thời gian tới.
PV: Như lời ông nói, Hải Vân Quan được công nhận di tích cấp quốc gia có thể xem là “cái bắt tay” lịch sử giữa Thừa Thiên - Huế và TP.Đà Nẵng?
Ông Huỳnh Văn Hùng: Đúng như vậy. Khó khăn nhất trong việc này là đi tìm tiếng nói chung, vượt qua khó khăn về ranh giới chưa rõ ràng. Đến nay, ranh giới vẫn còn mơ hồ, vẫn chưa thể xác định Hải Vân Quan nằm bao nhiêu phần trăm trên địa phương nào. Nếu nó nằm một bên thì chỉ cần địa phương đó làm hồ sơ. Trong khi đó, do chưa thể xác định ranh giới nên cả hai bên phải vượt lên trên, căn cứ vào yếu tố gốc là phần nền, móng và cùng làm hồ sơ, không quan tâm đến di tích nằm bên nào. Hải Vân Quan được công nhận di tích quốc gia là biểu tượng tình đoàn kết giữa hai địa phương.
PV: Hải Vân Quan sẽ chịu sự quản lý của cả hai bên. Vậy, liệu rằng có sự chồng chéo?
Ông Huỳnh Văn Hùng: Chúng tôi đã xác định, Hải Vân Quan là tài sản văn hóa chung, có cùng mục đích chung là cứu di tích này nên cần bắt tay quản lý. Lãnh đạo hai bên cùng nhau gặp mặt, trao đổi, bàn bạc, thống nhất một số kế hoạch, trong đó có xây dựng một bộ tiêu chí quản lý Hải Vân Quan về trùng tu, bảo tồn, phát huy di tích. Sau này, nếu di tích được giao cho đơn vị Nhà nước hoặc tư nhân nào quản lý thì phải đảm bảo tiêu chí quản lý di tích như đã quy định.
Trùng tu không biến dạng
PV: Thời gian qua, dư luận bức xúc vì nhiều địa phương đã làm biến dạng di tích khi trùng tu, tôn tạo, Vậy, Hải Vân Quan sẽ được trùng tu thế nào thưa ông?.
Ông Huỳnh Văn Hùng: Qua thông tin đại chúng, chúng tôi cũng có nghe đến. Chúng tôi nghĩ rằng, ở trong Nam lẫn ngoài Bắc, sở dĩ tình trạng đó xảy ra là vì tính chủ quan, tùy tiện, không có sự tư vấn của chuyên gia. Do đó, lúc trùng tu, người thực hiện đã làm méo mó, biến dạng, không đảm bảo yếu tố gốc. Di tích thường là những thứ quen thuộc, được người dân coi trọng, nên khi trùng tu như thế sẽ tạo nên sự phản cảm và bị phản đối là điều khó tránh khỏi. Rút kinh nghiệm những vụ việc ấy, chúng tôi sẽ cẩn thận, đặt yếu tố gốc của di tích lên trên hết trong quá trình trùng tu.
Chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ, tọa đàm thậm chí hội thảo khoa học để lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, những người làm công tác liên quan đến bảo tồn, bảo tàng, di tích, lịch sử, kiến trúc... ngay trong năm 2017. Trong các buổi này, chúng tôi sẽ tiếp thu, tìm ra các phương án trùng tu, tôn tạo, phục dựng tốt nhất. Từ đó, sẽ có kế hoạch cụ thể.
Đồng thời cũng sẽ ưu tiên triển khai công tác nghiên cứu, thăm dò và khai quật khảo cổ tất cả các hạng mục công trình, xác định nền móng, kiến trúc, mẫu thức trang trí... để tạo cơ sở khoa học và đảm bảo tính chính xác trong việc tu bổ, tôn tạo các yếu tố gốc gắn liền với di tích Hải Vân Quan.
PV: Trong việc trùng tu sẽ có nhiều yếu tố khách quan như màu sắc mới, vật liệu mới... sẽ khiến người dân cảm thấy xa lạ. Việc trùng tu Hải Vân Quan cũng không tránh khỏi và khó chiều lòng dư luận. Ông có sợ tai tiếng vì những điều này?
Ông Huỳnh Văn Hùng: Như tôi đã nói, trùng tu Hải Vân Quan phải chờ ý kiến của các nhà khoa học. Tôi từng tham khảo rất nhiều công trình di tích được trùng tu ở Quảng Nam, Huế, Hà Nội... trùng tu thì phải chấp nhận một số vấn đề về vật liệu, chất kết nối, màu sắc. Chẳng hạn, khi trùng tu thì màu sắc phải mới hơn so với hiện trạng và những yếu tố liên quan cũng như thế.
Tuy nhiên, những yếu tố quan trọng là kiến trúc, địa điểm phải đảm bảo yếu tố gốc. Trong quá trình trùng tu, tôn tạo, sai yếu tố gốc là không thể chấp nhận được. Tôi tin rằng, dư luận hiểu rõ những khó khăn trong việc trùng tu, tôn tạo, chỉ khi không đảm bảo thiết kế cũ mới bị dư luận phản ứng.
Huy Cường