Ngày 19/4, thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế vào các ngày 24 và 25/3/2023.
Theo đó, tại chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ở Thừa Thiên-Huế, vào thời gian trên, Thủ tướng đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy; dự Chương trình Lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V; kiểm tra tiến độ một số dự án giao thông trên địa bàn và các hoạt động khác.
Tại kết luận, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả kinh tế - xã hội mà tỉnh đạt được trong năm 2022 và quý I/2023, đồng thời nêu rõ những hạn chế đang gặp phải.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên-Huế về phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Năm 2022, Tỉnh đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 8,56%; GRDP bình quân đầu người tăng 10% so với năm 2021. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 12,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 20,4%; lượng khách du lịch tăng gần 3 lần cùng kỳ.
Tuy nhiên, kết luận cũng đánh giá, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ; chưa thu hút được nhiều tập đoàn quốc tế lớn đến đầu tư. Một số công trình di tích có nguy cơ bị xuống cấp, hư hỏng. Công tác chỉnh trang, nâng cấp, giữ gìn trật tự đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; giải phóng mặt bằng, tái định cư còn một số bất cập. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu; còn thiếu chuyên gia giỏi, đầu ngành một số lĩnh vực. Đời sống vật chất của một bộ phận người dân còn khó khăn.
Qua đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những quan điểm chỉ đạo và một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới với tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Một trong những chỉ đạo đó là Thừa Thiên-Huế cần huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công). Xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước và quốc tế. Tiếp tục thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ngoài ra, phải phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc và con người Thừa Thiên Huế; “biến di sản thành tài sản”, “biến tiềm lực thành nguồn lực” để phục vụ phát triển. Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế thành Trung tâm y tế chuyên sâu, trở thành thương hiệu quốc gia, quốc tế. Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng. Giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; làm tốt công tác thông tin, truyền thông.
Tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, có điểm nhấn, tạo sự khác biệt mang nét đặc trưng riêng có; phát triển du lịch thông minh; gắn kết với tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” và “Hành lang kinh tế Đông - Tây”. Xúc tiến các tập đoàn lớn, có thương hiệu đến đầu tư; làm tốt quảng bá, tuyên truyền, nhất là các chương trình Festival Huế.
Nền kinh tế tỉnh cũng phải cơ cấu lại theo hướng ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trên cơ sở tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và công nghiệp phụ trợ; cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị và thương hiệu nông sản. Đồng thời, tập trung xây dựng tỉnh thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, có điểm nhấn, tạo sự khác biệt mang nét đặc trưng riêng có…
Lê Kông