Cầu Trường Tiền, TP.Huế sẽ được tiến hành khôi phục, sửa chữa và làm mới lại nhiều hạng mục, công trình do cục Quản lý đường bộ 2, bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, công ty Cổ phần tư vấn và xây dựng An Giang Dragon làm đơn vị thi công, với tổng mức đầu tư khoảng 3,8 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án bắt đầu triển khai từ đầu tháng 8 và dự kiến hoàn thành vào giữa tháng 10/2017.
Trong đợt trùng tu lần này, cầu Trường Tiền sẽ được khôi phục lại hệ thống lan can gồm 10 ban công (điểm vọng cảnh, mỗi điểm dài 7m, rộng 1,25m) để người đi bộ có thể dừng chân ngắm cảnh; đồng thời tiến hành bóc gỡ, trải lại lớp bê tông nhựa mặt cầu và đoạn đường ở 2 đầu cầu đã bị xuống cấp; thay thế khe co giãn cũ; sơn lại giàn thép các liên kết bị gỉ; sửa chữa bậc lên xuống 2 đầu cầu; lề bộ hành trên cầu được lát đá xanh.
Ông Đặng Nguyễn Ngọc Linh, Phó chi cục trưởng chi cục Quản lý đường bộ 2.6 thuộc cục Quản lý đường bộ 2 cho biết, sau khi hoàn thành đợt tu sửa vào năm 1991 - 1995, công ty CP Cầu 1 Thăng Long đã lắp bảng tên cầu là Tràng Tiền. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có kiến nghị bộ GTVT trả lại tên đúng cho cây cầu là Trường Tiền, nên sau khi công trình được hoàn thành, đơn vị sẽ lắp lại bảng tên gốc cho cây cầu.
Được biết, cầu Trường Tiền hay còn được gọi là Tràng Tiền dài 402,6m, rộng 5,4m, có 6 vài và 12 nhịp, được thiết kế theo kiến trúc Gô tích, mỗi nhịp có hình bán nguyệt, bắc qua sông Hương. Đầu cầu phía Bắc thuộc phường Phú Hòa, đầu cầu phía Nam thuộc phường Phú Hội, nằm giữa TP.Huế.
Năm Thành Thái thứ 9 (1897), chiếc cầu trên được nhà cầm quyền Pháp (khi ấy Khâm xứ Trung Kỳ là Levécque) giao cho hãng Eiffel (Pháp) thiết kế và khởi công xây dựng lại bằng sắt. Đến năm Thành Thái thứ 11 (1899) thì hoàn thành và được mang tên vị vua này. Tổng chiều dài cây cầu lúc bấy giờ là 401,1m, rộng 6,2m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược (hay hình bán nguyệt) và hình dáng đó về cơ bản được giữ nguyên cho tới ngày nay.
Năm 1937, dưới triều vua Bảo Đại, cầu Trường Tiền được trùng tu, cải tạo lớn. Cầu được mở rộng hành lang 2 bên cho xe đạp và người đi bộ. Ở hành lang, tại vị trí trụ cầu giữa 2 vài có các bao lơn (ban công) phình rộng ra là nơi dừng chân, ngắm cảnh.
Sau khi kết thúc chiến tranh, từ năm 1991 - 1995, công ty CP Cầu 1 Thăng Long lãnh trách nhiệm trùng tu, xây lại 2 nhịp cầu, đổi màu cầu từ dụ bạc sang lam, tất cả các bao lơn cũng bị phá bỏ. Trước đây, mặt cầu rộng 6,2m, nhưng sau khi sửa chữa xong, chỉ còn 5,4m, cho nên chỉ có xe loại nhỏ mới qua lại cầu được.
Công Định