- "Em đạt 29,15 điểm, học thật, không có điểm ưu tiên cuối cùng lại trượt. Còn những bạn đạt 25,75 điểm; thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ?".
Đó là thắc mắc của em N.P.H. (Thạch Thất, Hà Nội), một nam sinh trượt ngành Y đa khoa, đại học Y Hà Nội vì thiếu 0,05 điểm và không đáp ứng được tiêu chí phụ, với ưu tiên 1 là điểm xét tuyển chưa làm tròn 29,2. Câu hỏi của em đã nói lên nỗi ấm ức của rất nhiều thí sinh thuộc khu vực 3 (không nằm trong diện hưởng ưu tiên khu vực), học giỏi, đạt điểm thi chót vót nhưng vẫn trượt đại học.
Các em bức xúc vì bao công sức, thời gian, tiền bạc “đầu tư” cho kỳ thi quan trọng này bỗng chốc đổ xuống sông xuống biển, để nhường chỗ ngồi quý giá trên giảng đường cho những bạn thua về năng lực mà thắng về điểm ưu tiên. Trong khi đó, thí sinh được cộng điểm chưa chắc đã thua kém về điều kiện và môi trường học tập. Có em ở thành phố ngày đạp xe gần hai chục cây số đến trung tâm luyện thi, có em ở thị xã xa xôi được bố mẹ mời thầy về tận nhà kèm cặp. Ta không thể mãi đồng nhất đời sống vật chất của một gia đình với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mà họ sinh sống.
Trong bài phỏng vấn mới đây trên VNExpress, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (bộ Giáo dục và Đại học) đã khẳng định chính sách cộng điểm ưu tiên vẫn cần thiết và cho rằng: “Công bằng phải xét trên điều kiện thực hiện quy định và hướng tới kết quả bình đẳng thực chất. Nếu áp dụng nguyên tắc xét tuyển như nhau cho các thí sinh có điều kiện khác nhau thì đó không phải là biểu hiện của sự công bằng.”
Tôi tự hỏi, liệu áp dụng nguyên tắc xét tuyển không giống nhau cho các thí sinh có điều kiện như nhau (chỉ khác khu vực) thì có phải là biểu hiện của sự công bằng? Và liệu có tồn tại cái gọi là “bình đẳng thực chất” với tất cả các thí sinh giỏi ở khu vực 3 năm nay, khi các em chỉ cần được cộng 0,05 điểm ưu tiên là đã chắc mẩm rằng mình trúng tuyển?
Nếu không sớm thay đổi, những bất cập của chính sách cộng điểm cho thí sinh đăng ký xét tuyển đại học chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra ở từng nhóm trường trong tương lai. Giữa hai vị bác sĩ, một người giỏi thực sự và một người được bổ sung vào bệnh viện theo “tiêu chí phụ”, bạn muốn giao mạng sống của mình cho ai?
Rõ ràng, điều cần ưu tiên hơn cả là nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó chứ không phải những thí sinh chưa đủ kiến thức cần thiết muốn theo học các trường đại học hàng đầu về đào tạo cũng như nghiên cứu.
Trương Chi
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả