Thuật ngữ 'bỏ lọt tội phạm' dưới góc nhìn luật gia

Thuật ngữ 'bỏ lọt tội phạm' dưới góc nhìn luật gia

Thứ 4, 19/06/2013 14:10

Thời gian gần đây thuật ngữ “bỏ lọt tội phạm” được nhiều người nhắc đến. Tuy nhiên “bỏ lọt tội phạm” không phải là một thuật ngữ pháp lý được ghi nhận trong Bộ luật hình sự.

“Bỏ lọt tội phạm” là cách nói để chỉ việc người có hành vi phạm tội nhưng lại không bị một chế tài nào trừng phạt và vẫn “nhởn nhơ” ngoài vòng pháp luật. Bỏ lọt có nghĩa là để một người “đi qua” những quy định pháp lý một cách an toàn.  

“Bỏ lọt tội phạm” có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bỏ lọt tội phạm do hành vi chủ quan của người có thẩm quyền, điều tra, truy tố, xét xử. Những người này mặc dù biết rõ có hành vi phạm tội xảy ra nhưng lại không tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc biết rõ là có tội nhưng lại tuyên án vô tội.

"Bỏ lọt tội phạm" cũng có thể là do nguyên nhân từ việc không đủ chứng cứ, tài liệu để chứng minh một người có tội. Hoặc truy tố nhầm, truy tố xét xử không đúng người. Người có hành vi phạm tội thực sự lại không bị truy tố, xét xử.

Luật sư - Thuật ngữ 'bỏ lọt tội phạm' dưới góc nhìn luật gia

Bị cáo Lê Bá Mai trước tòa. Ảnh minh họa

"Bỏ lọt tội phạm" còn có thể là hành vi phạm tội đó không ai biết, không ai thấy hoặc chưa ai biết, chưa ai thấy. Người có hành vi phạm tội bằng một cách nào đó xóa hết dấu vết phạm tội.

Từ những khái quát trên có thể thấy việc “bỏ lọt tội phạm” có thể do lỗi cố ý, có thể do lỗi vô ý. Những trường hợp “bỏ lọt tội phạm” do không ai biết, chưa biết hoặc bằng tất cả điều kiện có thể nhưng không đủ “điều kiện” để kết án một người có tội thì không thuộc trường hợp cố ý “bỏ lọt tội phạm”.

Nhìn chung việc “bỏ lọt tội phạm” ở một góc độ khía cạnh nào đó sẽ có một cách gọi khác nhau. Nhưng phải khẳng định “bỏ lọt tội phạm” không đồng nhất với “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” hoặc “án oan”. Bỏ lọt tội phạm xét về phạm vi, tính chất thì rộng hơn và bao trùm nhiều trường hợp khác nhau.

Trường hợp của nguyên trưởng công an thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) vừa bị khởi tố về hành vi “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” cũng là một dạng của bỏ lọt tội phạm. Nhưng dạng “bỏ lọt này” là dang “bỏ lọt tội phạm” do lỗi cố ý.

Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định rõ: “Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Ở đây cần chú ý đến hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là người phạm tội này phải là người có thẩm quyền, yếu tố thứ hai là người đó phải “biết rõ” hành vi phạm tội của một người nhưng không truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụm từ “biết rõ” ở đây cho thấy, hành vi này là hành vi cố ý.

Liên quan đến “kỳ án vườn mít” Lê Bá Mai, nhiều người cũng đặt dấu hỏi: có hay không việc “bỏ lọt tội phạm”. Bởi lẽ nếu bị cáo Lê Bá Mai vô tội thì ai sẽ là người gây án. Nếu Lê Bá Mai vô tội thì hóa ra bao nhiêu năm qua kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Trường hợp Lê Bá Mai là người có tội và tòa kết án đúng người đúng tội thì chính cơ quan tiến hành tố tụng đã làm một việc rất quan trọng đó là không để bỏ lọt tội phạm. Nhưng cũng đặt giả thiết Lê Bá Mai vô tội nhưng vẫn bị truy tố là có tội thì ngoài việc “bọ lọt tội phạm” còn có dấu hiệu của hành vi “truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”.

Luật gia Giang Văn Quyết

   Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.