"Thuật ngữ luật sư sử dụng là chưa chính xác"

"Thuật ngữ luật sư sử dụng là chưa chính xác"

Thứ 6, 28/12/2012 00:01

Độc giả Nguyễn Văn Hùng (Hà Nội) gửi mail đến tòa soạn phản ánh việc bài báo trích dẫn ý kiến của luật sư Triệu Trung Dũng là không chính xác.

Ngày 27/11/2011 chuyên mục Luật sư của báo Nguoiduatin.vn có đăng bài “Kẻ hiếp và nạn nhân đều dưới 16 tuổi, xử thế nào?”. Bài báo trích đăng phần trả lời của luật sư Triệu Trung Dũng - Trưởng văn phòng luật sư Triệu Dũng và cộng sự. Là một độc giả của báo Nguoiduatin.vn, tôi xin đề nghị cho phép tôi được trao đổi với luật sư Triệu Trung Dũng về một số nội dung liên quan đến bài viết này.

Pháp luật - 'Thuật ngữ luật sư sử dụng là chưa chính xác'Ảnh minh họa

Tôi đã đọc bài báo: “Kẻ hiếp và nạn nhân đều dưới 16 tuổi, xử thế nào?” được đăng trên báo Nguoiduatin.vn trong đó có trích đăng phần trả lời của luật sư. Là một độc giả tôi xin cảm ơn luật sư về những nội dung tư vấn của ông, đây thực sự là những kiến thức pháp luật mà nhiều bạn đọc cần tìm hiểu và có lẽ đó là một trong những mục đích của báo Nguoiduatin.vn muốn tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới đông đảo độc giả.

Nếu chính xác trong nội dung bài báo là toàn bộ phần trả lời của luật sư thì tôi xin phép được trao đổi với ông về một số nội dung sau trên cơ sở sự hiểu biết pháp luật của tôi. Về cơ bản tôi đồng ý một số nội dung mà luật sư đã trả lời, tuy nhiên tôi chưa hài lòng lắm với một số nội dung sau trong phần trả lời của luật sư:

- Thứ nhất, trong bài trả lời của luật sư có đề cập tới tội danh “nhiều người hiếp một người”, tôi thấy rằng trong Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 năm 1999 và kể cả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 37/2009/QH12 năm 2009 không có điều luật nào quy định tội danh “nhiều người hiếp một người”. Trong trường hợp cụ thể như luật sư đã đề cập theo tôi hiểu ý của luật sư đang đề cập tới trường hợp các đối tượng phạm “Tội hiếp dâm trẻ em” theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999. Trong trường hợp này tình tiết “nhiều người hiếp một người” là tình tiết định khung hình phạt chứ không phải là tội danh “nhiều người hiếp một người” như luật sư đã đề cập!

- Thứ hai, tôi xin có ý kiến về những nội dung sau mà luật sư đã đề cập: “Đối với 3 đối tượng hiếp dâm cháu bé 15 tuổi, khi cả ba đối tượng lẫn nạn nhân đều chưa đủ 16 tuổi. Nhưng cả 3 đối tượng đều đã đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà chúng thực hiện theo quy định tại khoản 3 điều 8 và khoản 2 điều 12 bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 (gọi tắt là BLHS 2009).

Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trong đó cần phải cắt nghĩa, tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.

Trong phần này tôi hiểu rằng ý luật sư đang đề cập tới hai vấn đề cơ bản đó là:

+ Tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự năm 1999 thì “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

+ Căn cứ phân loại tội phạm theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999 cụ thể là:
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (khoản 2 Điều 8).

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (khoản 3 Điều 8).

Tuy nhiên, luật sư lại nói rằng “Trong đó cần phải cắt nghĩa…” để giải thích thế nào là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tôi nghĩ rằng dùng thuật ngữ thế này sẽ không chính xác và dễ gây nhầm lẫn cho bạn đọc ở những điểm sau: nếu nói như luật sư thì độc giả có thể hiểu rằng Bộ luật hình sự chưa quy định rõ thế nào là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà chúng ta cần phải hiểu và giải thích các quy định pháp luật này, như vậy có thể có nhiều cách hiểu và giải thích khác nhau dẫn tới việc áp dụng các quy định đó có sự khác nhau! Trong lúc đó đây là những quy định cụ thể của Bộ luật hình sự năm 1999, đây cũng là những căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ để áp dụng giải quyết những vấn đề có liên quan trong những trường hợp cụ thể. Trong tình huống nêu trên thì đây là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để xác định ba đối tượng trên có phải chịu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi của mình hay không.

Thứ ba, luật sư cho rằng “Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị phạt tù có thời hạn” theo tôi là không chính xác và có thể gây hiểu nhầm cho độc giả. Hiện nay theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2009 có rất nhiều điều luật quy định liên quan đến các hình phạt của người chưa thành niên, trong đó có Chương X – Những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội (từ Điều 68 đến Điều 77) đã quy định khá cụ thể về vấn đề này. Những nội dung chúng ta cần lưu ý đó là người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm (Điều 71 Bộ luật hình sự năm 1999):

+ Cảnh cáo;
+ Phạt tiền;
+ Cải tạo không giam giữ;
+ Tù có thời hạn.

Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp sau: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Đưa vào trường giáo dưỡng (khoản 4 Điều 69 và khoản 1 Điều 70 Bộ luật hình sự năm 1999) .

“Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.

Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù. Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.

Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội" (Khoản 5 Điều 69 Bộ luật hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2009).

Thứ tư, một góp ý nhỏ: Luật sư trích dẫn “Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 (gọi tắt là BLHS 2009)”, tôi cho rằng trích dẫn như thế là không chính xác bởi vì: trong những điều luật mà luật sư đã trích dẫn thì đó là những căn cứ theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 1999 còn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2009 không sửa đổi, bổ sung bất kỳ một nội dung nào liên quan đến những điều luật mà luật sư đã trích dẫn. Mặt khác, không có “Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009” mà chỉ có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, đây là văn bản Luật để sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999). Cho nên theo tôi nên trích dẫn là Bộ luật hình sự năm 1999 thì chính xác hơn và tránh hiểu nhầm của độc giả (mặc dù vấn đề này không quá quan trọng).

Trên đây là ý kiến đóng góp của tôi, tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều độc giả có quan điểm khác nhau, rất mong các bạn có ý kiến đóng góp.

Nguyễn Văn Hùng ( Hà Nội)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.